
Phạm Tuân - Nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam
Chuyến bay trở thành sự kiện lịch sử trong đời sống nhân dân hai nước, ghi một mốc son mới vào sự phát triển tình hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên Xô trước đây, cũng như đối với Liên bang Nga ngày nay. Nhờ có sự giúp đỡ của nước bạn Liên Xô, Việt Nam đã trở thành nước châu Á đầu tiên chinh phục khoảng không vũ trụ.
Chuyến bay lịch sử bắt đầu từ 21h33 ngày 23/7/1980 (theo giờ Moskva) từ sân bay vũ trụ quốc tế Baikonur, Liên Xô, và trở về Trái đất lúc 18h15 ngày 31/7/1980. Trong chuyến bay đó, nhà du hành vũ trụ Nguyễn Tuân đãmang lên vũ trụ cuốn Tuyên ngôn độc lập và di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lá cờ đỏ sao vàng.

Nhà du hành Vichtor Vaxilievich Gorbatco (trái) và ông Phạm Tuân (phải) - Ảnh Tư liệu

Hai phi hành gia Gorbatko và Phạm Tuân vào ngày 23/7/1980, tại sân bay vũ trụ Bakonur ở Kazakhstan trước khi bay vào vũ trụ bằng phi thuyền Soyuz 37. Ảnh: Tư liệu
Chiếc tàu vũ trụ Liên hợp 37 (Soyuz 37) đã đưa nhà du hành vũ trụ của Việt Nam Phạm Tuân cùng với nhà du hành vũ trụ Xôviết Gorbatco vào quỹ đạo. Tàu Liên hợp 37 khi được phóng lên quỹ đạo, có nhiệm vụ ghép nối với tổ hợp Chào mừng 6 - Liên hợp 36 (Salyut 6-Soyuz 36). Ở đây, họ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu cùng với hai nhà du hành vũ trụ khác của Liên Xô là L.Popov và V.Riumin.

Gorbatko (trái) và Phạm Tuân huấn luyện trước khi thực hiện chuyến du hành kéo dài gần 8 ngày, bao gồm 6 ngày trên trạm không gian Salyut 6. Ảnh: TTXVN
Trong 8 ngày bay ngoài vũ trụ, hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatco đã thực hiện tổng cộng 142 vòng quanh quỹ đạo Trái đất. Hai nhà du hành vũ trụ đã tiến hành 30 cuộc thí nghiệm viễn thám hàng không, đo và xây dựng bản đồ độ ẩm đất vùng sông Hồng, chuẩn bị xây dựng Trạm mặt đất Hoa Sen phục vụ thông tin liên lạc qua hệ Intersputnik. Trong tình trạng không trọng lượng, hai nhà du hành vũ trụ cũng đã tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất, các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu… Ngoài ra, nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân còn tiến hành chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo Trái đất.
Sau những ngày làm việc khẩn trương và hoàn thành các nhiệm vụ được giao trên tổ hợp quỹ đạo Chào mừng 6 - Liên hợp 36 - Liên hợp 37, hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatco chuyển sang tàu Liên hợp 36 để trở về Trái đất. Khoang đổ bộ của tàu Liên hợp 36 đã hạ cánh chính xác xuống khu vực đã được định trước cách không xa sân bay vũ trụ Baikonur.

Hai nhà du hành trả lời phỏng vấn báo chí sau khi trở về Trái đất. Ảnh: Quang Thành - TTXVN
Chuyến bay vũ trụ quốc tế có sự tham gia của nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam, chuyến bay thắm tình hữu nghị Việt Nam-Liên Xô, đã kết thúc thắng lợi. Có thể nói, đối với người Việt Nam, chuyến bay này là một sự kiện lịch sử mang nhiều ý nghĩa chính trị, khoa học, kinh tế quan trọng. Chuyến bay đã chứng minh trí tuệ Việt Nam có thể vươn dần lên với trình độ chung của khoa học thế giới. Nếu như trước đó, người Việt Nam còn là những người nô lệ mù chữ thì bằng ý chí quật cường, người Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ-đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, xóa bỏ ách áp bức bóc lột trong xã hội, làm chủ đất nước và vận mệnh của mình. Thành công của chuyến bay đã tỏ rõ những khả năng to lớn của con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên nhân dân Việt Nam đã làm chủ đất nước và cuộc sống, và còn vươn tới một thời kỳ phát triển rực rỡ hơn nữa trong lịch sử của mình.

Hai nhà du hành Liên Xô và Việt Nam về tới sân bay vũ trụ Baikonur vào ngày 4/8/1980. Ảnh: TTXVN.

Hai phi hành gia sau đó về tới Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.
Với thành tích này, năm 1980 nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam, Huân chương Hồ Chí Minh.Cùng năm đó, ông cũng vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, Huân chương Lênin. Ông là người Việt Nam duy nhất 3 lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động của Việt Nam, Anh hùng Liên Xô).

Nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân ký tên vào khoang hạ cánh của tàu Liên hợp 37 sau khi trở về Trái đất. Ảnh: Quang Thành-TTXVN
Chuyến bay thể hiện tình hữu nghị cộng sản anh em giữa Liên Xô và CHXHCN Việt Nam khi ấy. Ảnh: Tư liệu.
Chuyến bay hữu nghị của hai phi công vũ trụ Gorbatco và Phạm Tuân còn là một biểu tượng tuyệt đẹp của tình hữu nghị Việt-Xô, là một sự kiện có tầm vóc lịch sử. Chuyến bay là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết anh em, gắn bó giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam, Liên Xô.
Năm 2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã tôn vinh ông với Kỷ lục "Nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam".
Nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân sinh ngày 14 tháng 2 năm 1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông đi bộ đội, được tuyển vào binh chủng Không quân Nhân dân Việt Nam năm 1965, tốt nghiệp Trường phi công quân sự ở Liên Xô năm 1967 và trở thành sĩ quan lái máy bay chiến đấu của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ, tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời Miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Giữa năm 1972, ông là một trong 12 phi công được chọn để đào tạo lái tiêm kích bay đêm, chuẩn bị cho việc đánh B-52 (tiêm kích bay đêm yêu cầu kỹ thuật cao hơn nhiều so với lái tiêm kích ban ngày). Năm 1977, ông được cử đi học tại Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô), năm sau chuyển loại sang bay vũ trụ. Phạm Tuân được chọn vào đội bay quốc tế thứ sáu trong chương trình Intercosmos của Liên Xô ngày 1 tháng 4 năm 1979. Năm 1989 ông là Phó Tư lệnh Chính trị Quân chủng Không quân. Từ năm 1999, ông mang quân hàm Trung tướng của không quân Việt Nam, giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng (từ 2000). Năm 2002, ông được bầu làm Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (Military Commercial Joint Stock Bank - tên viết tắt: MB); đồng thời giữ những chức vụ quan trọng trong các công ty trực thuộc ngân hàng này. Năm 2008, ông về hưu theo quyết định của Chính phủ. (Nguồn Wikipedia) |