1. Google ra mắt công cụ cạnh tranh với ChatGPT
Ngày 6/2, Alphabet - tập đoàn mẹ của Google – cho biết sẽ ra mắt dịch vụ chatbot và bổ sung nhiều trí tuệ nhân tạo hơn cho công cụ tìm kiếm của họ để cạnh tranh với Microsoft, cho thấy các gã khổng lồ công nghệ đang cạnh tranh quyết liệt để dẫn đầu làn sóng tin học mới.
Trong khi đó, Microsoft cho biết họ sẽ ra mắt công cụ AI mới vào ngày 7/2.
Những thông tin dồn dập này cho thấy Thung lũng Silicon đang chờ đón một thay đổi lớn trong mảng AI sáng tạo, một công nghệ có thể tạo ra những bài văn xuôi và những nội dung khác theo mệnh lệnh, từ đó giúp giải phóng thời gian cho người sử dụng.
Sự trỗi dậy của ChatGPT, một chatbot ra đời từ dự án OpenAi thuộc Microsoft, có thể thay đổi cách mọi người tìm kiếm thông tin, tạo nên một trong những thách thức lớn nhất đối với Google trong thời gian gần đây.
Trong một bài đăng trên blog, tổng giám đốc điều hành Alphabet Sundar Pichai cho biết tập đoàn của ông sẽ ra mắt dịch vụ AI trò chuyện mang tên Bard để người dùng thử nghiệm và phản hồi, sau đó sẽ ra mắt công khai trong mấy tuần tới.
Pichai cho biết, Google sẽ bổ sung các tính năng AI cho công cụ tìm kiếm của mình để tổng hợp tài liệu cho những câu hỏi phức tạp, như học guitar và piano cái nào dễ hơn. Hiện tại, Google mới trình bày trên web những câu hỏi có câu trả lời rõ ràng.
Việc Google cập nhật công cụ tìm kiếm, dù chưa biết thời gian cụ thể, cho thấy công ty đang nỗ lực cải tiến dịch vụ trong khi Microsoft làm điều tương tự với Bing bằng cách nhúng OpenAI vào đó.
Microsoft cho biết, tập đoàn này sẽ đưa AI vào tất cả sản phẩm của mình. Kế hoạch sẽ được tiết lộ trong cuộc gặp báo chí ngày 7/2. Sam Altman, CEO của OpenAI, thông báo trên Twitter rằng ông cũng dự sự kiện.
Chưa rõ Google làm thế nào để Bard khác biệt với ChatGPT của OpenAI. Pichai cho biết dịch vụ mới sẽ dựa trên thông tin từ internet, trong khi kiến thức của ChatGPT tập hợp kiến thức mới chỉ cập nhật đến năm 2021.
“Bard tìm cách kết hợp bề rộng kiến thức của thế giới với sức mạnh, trí tuệ và sự sáng tạo của AI của chúng tôi”, Pichai cho biết.
Đằng sau chatbot mới là LaMDA, một AI của Google có khả năng tạo văn bản theo cách mà một kỹ sư của công ty gọi là tri giác.
Google đang dựa vào một phiên bản LaMDA tiêu tốn ít năng lượng hơn để có thể chạy trên nhiều thiết bị và cho phép phản hồi nhiều hơn.
ChatGPT đang phải từ chối bớt người dùng vì phát triển bùng nổ. Các nhà phân tích của UBS báo cáo, công cụ này đã thu hút 57 triệu người truy cập trong tháng 12 vừa qua, vượt qua cả TikTok.
Google cũng có kế hoạch ra mắt các công cụ công nghệ được LaMDA hỗ trợ, sau này là những AI khác, để phục vụ những người sáng tạo nội dung và doanh nghiệp từ tháng tới, Pichai cho biết.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/google-ra-mat-cong-cu-canh-tranh-voi-chatgpt-post1507962.tpo
2. Công ty khởi nghiệp Mỹ phát triển công nghệ nhiên liệu amoniac được Saudi Aramco tài trợ
Công ty khởi nghiệp Mỹ Amogy đang phát triển và thử nghiệm công nghệ chuyển đổi amoniac thành nhiên liệu hydro, sử dụng cho các phương tiện vận tải hạng nặng được công ty dầu mỏ Saudi Aramco hỗ trợ.
Trong cuộc đua sử dụng nhiên liệu sạch, ngành vận tải hạng nặng đang bị tụt lại phía sau vì pin điện không đủ năng lượng để cung cấp cho xe tải và tàu thủy. Amoniac là một giải pháp. Những công ty khởi nghiệp đang nghiên cứu phát triển công nghệ mới, chuyển hóa amoniac thành hydro để cung cấp năng lượng cho máy kéo, xe tải và cả tàu thủy.
Chỉ riêng ngành vận tải đường bộ hạng nặng chiếm gần 1/4 tổng lượng khí thải nhà kính từ giao thông vận tải. Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế, khí thải nhà kính từ hoạt động vận chuyển đường biển tăng gần 10% từ năm 2012 đến năm 2018. Các con tàu vận tải thải ra gần 1 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm, tương đương với lượng carbon xả thải hàng năm của cả 2 bang Texas và California cộng lại.
Từ nguyên nhân này, các công ty Man Energy Solutions, Wartsila và Amogy, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Brooklyn đang nghiên cứu những giải pháp thay thế trên cơ sở amoniac.
Seonghoon Woo, đồng sáng lập và CEO công ty khởi nghiệp Amogy giải thích: “Công nghệ độc quyền được cấp bằng sáng chế của chúng tôi cho phép chuyển đổi hiệu quả amoniac thành hydro, quy trình đó được sử dụng trên xe để sản xuất hydro, sau đó hydro được cung cấp cho pin nhiên liệu để chạy phương tiện hạng nặng.”
Công nghệ của công ty Amogy cho phép “bẻ khóa” (hoặc phân hủy) amoniac trên phương tiện thành hydro, sau đó được nạp vào pin nhiên liệu cung cấp năng lượng cho phương tiện. Mật độ năng lượng của amoniac lỏng lớn hơn gấp 3 lần so với hydro nén.
Amogy đã thử nghiệm công nghệ mới trên xe vận tải, áp dụng công nghệ trên máy kéo và máy bay không người lái của nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp John Deere. Bước thử nghiệm tiếp theo hướng tới vận chuyển hàng hải sạch là tàu lai dắt.
“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan trong ngành vận chuyển và sản xuất hạng nặng trong các ngành công nghiệp nặng. Vì vậy, chắc chắn sự hợp tác là chìa khóa để mở rộng quy mô công nghệ mới như của chúng tôi, đưa vào thực tế khai thác sử dụng rộng rãi và thâm nhập thị trường,” ông Woo nói.
Một trong những nhà đầu tư lớn của Amogy là công ty Saudi Aramco của Ả rập Xê út, nhà sản xuất xăng dầu lớn nhất thế giới nhưng xác định amoniac là một phần trong tương lai của ngành nhiên liệu sạch của doanh nghiệp.
Ahmad Al-Khowaiter, giám đốc công nghệ của Saudi Aramco cho biết: “Công nghệ này thực sự mở ra những thị trường mới cho nhiên liệu hydro thông qua vectơ carbon thấp amoniac, vật chất mà chúng tôi xác định là một giải pháp thuận lợi để vận chuyển hydro.
“Đây sẽ là một thị trường đang phát triển mạnh mẽ trong thế giới hạn chế carbon. Những sản phẩm như amoniac sẽ có giá trị cao, thị trường và nhu cầu sẽ tăng lên, vì vậy chúng tôi thấy công nghệ này rất tích cực từ quan điểm của các cổ đông chúng tôi,” ông nói thêm.
Ngoài Saudi Aramco, công ty Amogy có được sự hỗ trợ từ Quỹ Cam kết Khí hậu của Amazon, AP Ventures, SK Innovation và DCVC. Công ty khởi nghiệp huy động được 70 triệu USD cho đến nay.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cong-ty-khoi-nghiep-my-phat-trien-cong-nghe-nhien-lieu-amoniac-duoc-saudi-aramco-tai-tro-post163927.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi
3. Dell cắt giảm 7.000 nhân viên
Tiếp nối làn sóng sa thải việc làm ngành công nghệ, Dell mới đây đã thông báo kế hoạch cắt giảm 5% lực lượng lao động của mình.
Dell hôm qua đã công bố kế hoạch sa thải 5% lực lượng lao động của mình, tương đương khoảng 6.650 nhân viên, theo hồ sơ của SEC.
Việc cắt giảm tại Dell diễn ra khi nhu cầu về PC và máy tính xách tay đã chậm lại trên toàn cầu. Theo các nhà phân tích ngành tại IDC, các lô hàng PC trên toàn cầu đã giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 4 năm 2022. Các lô hàng máy tính của Dell đã giảm 37% trong cùng thời kỳ đó, trong khi các đối thủ Lenovo, HP và Apple lần lượt giảm 28%, 29% và 2%. Được biết, khoảng 55% doanh thu của hãng hiện là từ PC.
Cổ phiếu của Dell đóng cửa giảm 3% khi kết thúc phiên giao dịch thứ Hai.
Trong một bản ghi nhớ gửi cho nhân viên, Jeff Clarke, đồng Giám đốc điều hành của Dell, cho biết việc cắt giảm được thực hiện nhằm nỗ lực “đi trước các tác động của suy thoái”. Ông cho biết những động thái mà Dell đã thực hiện, như tạm dừng tuyển dụng và giảm chi tiêu các dịch vụ bên ngoài vẫn chưa đủ hiệu quả.
“Thật không may, với những thay đổi như thế này, một số thành viên trong nhóm của chúng tôi sẽ phải rời công ty”, Clarke nói. “Đây là quyết định đặc biệt khó khăn, nhưng chúng tôi buộc phải đưa ra quyết định vì sự thành công trong dài hạn của doanh nghiệp".
Tính đến ngày 28 tháng 1 năm 2022, Dell có tổng số 133.000 nhân viên.
Trong thư gửi nhân viên, Clarke cho biết Dell đã vượt qua suy thoái kinh tế trước đây và sẽ “trỗi dậy mạnh mẽ hơn”. Ông viết: “Chúng tôi sẽ sẵn sàng khi thị trường phục hồi".
Thông báo sa thải của công ty đánh dấu đợt cắt giảm việc làm mới nhất trong ngành công nghệ. Vào tháng 1, Google tiết lộ kế hoạch sa thải hơn 12.000 công nhân, Microsoft tiết lộ kế hoạch cắt giảm 10.000 nhân viên và Salesforce công bố kế hoạch sa thải 7.000 nhân viên.
Các đối thủ của Dell trong lĩnh vực máy tính cũng đã sa thải hàng nghìn nhân sự. Tháng 11 năm ngoái, HP thông báo cắt giảm 6.000 nhân viên. Cisco và IBM đầu năm nay cùng tuyên bố cho thôi việc khoảng 4.000 nhân viên.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/dell-cat-giam-7000-nhan-vien-post163932.html
4. Lào bắt đầu thử nghiệm tiền kỹ thuật số
Ngân hàng Quốc gia Lào bắt đầu thử nghiệm loại tiền kỹ thuật số của mình từ thứ Ba với sự hợp tác của một nhà phát triển Nhật Bản, một phần trong mối quan tâm ngày càng tăng đối với loại tiền này giữa các cơ quan tiền tệ của châu Á, Nikkei cho biết.
Ngân hàng Quốc gia Lào và Soramitsu - công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain của Nhật Bản- đã ký một biên bản ghi nhớ vào thứ Hai (6/2) để bắt đầu phát triển đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng Trung ương (CBDC).
Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) là tiền pháp định (fiat) ở định dạng kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành. CBDC có các đặc điểm của cả tiền điện tử và tiền pháp định. Nó được phát hành bởi ngân hàng trung ương nhưng sử dụng thuật toán giống như tiền điện tử.
Soramitsu đã giúp Campuchia ra mắt loại tiền kỹ thuật số có tên là Bakong vào tháng 10 năm 2020. Ngân hàng trung ương Lào sẽ sử dụng một phiên bản sửa đổi của hệ thống này để tạo ra loại tiền kỹ thuật số sẽ được phân phối cho người tiêu dùng thông qua các ngân hàng thương mại. Người tiêu dùng sẽ thử nghiệm sử dụng loại tiền này để thanh toán khi mua hàng tại các cửa hàng.
Lào cũng sẽ khám phá các giao dịch kỹ thuật số xuyên biên giới với Campuchia. Mặc dù các quốc gia khác đã phát hành CBDC, như Bakong hoặc eNaira của Nigeria, các giao dịch liên quan đến hai CBDC khác nhau không được phổ biến rộng rãi. Lào và Campuchia hy vọng sẽ làm cho các loại tiền kỹ thuật số của họ trở nên hấp dẫn hơn bằng cách cùng nhau phát triển một hệ thống thanh toán xuyên biên giới.
Nikkei cho biết Viêng Chăn coi tiền kỹ thuật số là một cách để làm cho các dịch vụ tài chính dễ tiếp cận hơn. Khoảng 70% dân số Lào không có tài khoản ngân hàng. Một loại tiền kỹ thuật số sẽ cho phép mọi người thanh toán tại cửa hàng hoặc chuyển tiền bằng cách quét mã QR trên điện thoại thông minh của họ, bất kể họ có tài khoản ngân hàng hay không. Nó có thể làm giảm chi phí kiều hối từ người lao động ở nước ngoài.
Lào và Campuchia cũng coi CBDC là chìa khóa cho an ninh kinh tế của họ.
Khi thương mại của họ với Trung Quốc mở rộng, Lào và Campuchia coi tỷ giá hối đoái ổn định với đồng nhân dân tệ là ưu tiên hàng đầu. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã thử nghiệm phát hành đồng nhân dân tệ kỹ thuật số và hai quốc gia Đông Nam Á muốn mở rộng lợi ích của việc sử dụng đồng nội tệ của họ trước khi Bắc Kinh bắt đầu triển khai ở các khu định cư xuyên biên giới.
Cũng trong khu vực, Việt Nam và Philippines đang tiến hành nghiên cứu về CBDC, trong khi Fiji và các quốc đảo Thái Bình Dương khác đã bày tỏ sự quan tâm đến khái niệm này.
Đối với Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố kế hoạch triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025. Một trong những điều được đề cập trong kế hoạch là Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu và đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến tiền kỹ thuật số quốc gia. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ đưa ra các chính sách tương ứng về phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để người dùng có được các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt với mức phí hợp lý.
Trước đó, giữa năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng đồng tiền ảo (Blockchain) dựa trên công nghệ chuỗi khối trong chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 - 2025.
Soramitsu đặt mục tiêu tạo ra một mạng lưới thanh toán quốc tế kết nối các loại tiền kỹ thuật số từ các quốc gia này. Các mạng như vậy có giá trị hơn khi chúng có nhiều loại tiền tệ hơn.
Một báo cáo năm 2021 của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho biết hiệu quả của các giao dịch xuyên biên giới là lý do chính khiến các quốc gia quan tâm đến các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) đã thử nghiệm thành công một CBDC được kết nối với 18 tổ chức khác nhau, bao gồm cả các ngân hàng trung ương.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//the-gioi/lao-bat-dau-thu-nghiem-tien-ky-thuat-so-1090662.html