1. Microsoft ra mắt bộ Office 365 tích hợp AI
Mới đây Microsoft đã cho ra mắt bộ ứng dụng văn phòng Copilot - trí tuệ nhân tạo thế hệ mới đã được thêm vào Microsoft 365, giúp cải thiện năng suất làm việc của người dùng.
Sau khi Google công bố công cụ AI mới, Microsoft đã đáp trả. Theo đó, công ty giới thiệu tính năng Copilot cho bộ ứng dụng văn phòng Microsoft 365, bao gồm Word, Excel, PowerPoint và Outlook. Với 20 doanh nghiệp được chọn làm thử nghiệm đầu tiên, AI sẽ giúp người dùng soạn thảo nhanh hơn, tăng tốc độ sáng tạo nội dung và tiết kiệm thời gian làm việc.
Ngoài ra, Microsoft cũng trình diễn mô hình mới của Business Chat (trò chuyện doanh nghiệp), hoạt động dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Business Chat sẽ tổng hợp dữ liệu từ nhiều tài liệu, bản thuyết trình, email, lịch làm việc, ghi chú và danh bạ để giúp tóm tắt các cuộc trò chuyện, viết email, hoặc thậm chí viết kế hoạch dựa trên các tài liệu của dự án khác.
Phó Chủ tịch Microsoft, Jon Friedman, cho rằng Business Chat là bước tiến vượt bậc vì nó có khả năng xử lý tác vụ trên nhiều ứng dụng khác nhau. Ví dụ, người dùng có thể hỏi "Hãy cho nhóm tôi biết cách nâng cấp chiến lược sản phẩm", AI sẽ lấy thông tin từ email, cuộc họp và cuộc trò chuyện sáng để cung cấp câu trả lời.
"Chúng tôi tin rằng thế hệ mới của AI sẽ mở ra một làn sóng tăng trưởng hiệu suất làm việc mới", chia sẻ Satya Nadella - CEO của Microsoft.
Trong khi đó, theo Jared Spataro - Phó chủ tịch Ứng dụng Kinh doanh và Công việc Hiện đại của Microsoft, tin rằng Copilot sẽ "thay đổi cách mà con người làm việc".
Được biết, trong Microsoft Word, tính năng Copilot có thể giúp viết, chỉnh sửa và tóm tắt văn bản. Trong PowerPoint, nó có thể chuyển đổi các ý tưởng thành bản trình bày từ các lệnh ngôn ngữ tự nhiên. Trong Excel, AI sẽ cung cấp các thông tin chi tiết, xác định xu hướng hoặc tạo đồ họa trực quan dữ liệu chỉ trong thời gian ngắn.
Sau khi chatbot ChatGPT của OpenAI xuất hiện vào cuối năm ngoái, cuộc đua AI trong lĩnh vực công nghệ bắt đầu trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Mới đây OpenAI đã tiếp tục công bố phiên bản GPT-4. Theo Microsoft, GPT-4 sẽ hỗ trợ một số tính năng của Copilot cùng với GPT-3.5.
Nhà phân tích Rishi Jaluria từ RBC nhận định rằng, tính năng Copilot sẽ thúc đẩy mọi người sử dụng Microsoft Office nhiều hơn và tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/microsoft-ra-mat-bo-office-365-tich-hop-ai-post165054.html
2. Trình làng xe ga MBP SC300: Trang bị hiện đại, động cơ mạnh mẽ
Mẫu maxi-scooter mới sở hữu phanh ABS kênh đôi, đồng hồ TFT với chức năng GPS hiện đại.
Keeway - một thương hiệu sở hữu của Qianjiang Group từ Trung Quốc, mới đây cũng đã giới thiệu nhánh thương hiệu con mang tên Moto Bologna Passione (MBP) tại thị trường Italia. Và chiếc maxi-scooter SC300 là sản phẩm vừa được hãng MBP đưa tới thị trường.
Về thiết kế, MBP SC300 có bề ngoài không nhiều khác biệt so với các mẫu maxi-scooter khác trên thị trường, tuy nhiên thân xe sở hữu các đường nét góc cạnh hơn. Xe vẫn có kính chắn gió cao, đi kèm với hệ thống đèn chiếu sáng công nghệ LED. Xe cũng khá tiện dụng với hốc chứa đồ có nắp đóng đầu xe kèm với đó là cốp chứa đồ khá rộng rãi đặt dưới yên xe.
SC300 cũng sở hữu cụm đồng hồ TFT toàn phần hiển thị đầy đủ các thông số. Cụm đồng hồ này có khả năng kết nối với smartphone, nhận các thông báo và thực hiện cả chức năng GPS chỉ đường tiện dụng co người sử dụng. Mẫu maxi-scooter này cũng được tích hợp chìa khóa thông minh smartkey đưa tới nhiều tính năng hiện đại khi sử dụng.
Về sức mạnh, MBP SC300 được trang bị khối động cơ xy lanh đơn dung tích 278cc, loại SOHC làm mát bằng dung dịch. Khối động cơ này sản sinh công suất tối đa tới 25 mã lực và truyền đồng qua hộp số CVT. Mẫu max-scooter mới nhà MBP cũng được trang bị giảm xóc ống lồng trước, giảm xóc lò xo đôi phía sau. Xe sở hữu phanh đĩa Brembo cho cả bánh trước và sau kèm với ABS kênh đôi đưa tới an toàn toàn diện khi vận hành của người sử dụng.
Hiện giá bán của MBP SC300 chưa được hãng công bố, nhưng có lẽ sẽ ở mức rẻ - như cách mà Keeway thực hiện với các dòng xe của mình bán ra trước đó.
Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/trinh-lang-xe-ga-mbp-sc300-trang-bi-hien-ai-ong-co-manh-me-a598503.html
3. Australia ra mắt Mạng lưới AI có trách nhiệm
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Chính phủ Australia đã ra mắt một mạng lưới 'đầu tiên trên thế giới' nhằm giúp các công ty sử dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) một cách an toàn và có đạo đức.
Ed Husic - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Khoa học Liên bang Australia - ngày 16/3 đã công bố Mạng lưới AI có trách nhiệm tại Trung tâm AI quốc gia (NAIC) thuộc Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO). Mạng lưới này - tập trung vào 6 trụ cột cốt lõi là luật pháp, tiêu chuẩn, nguyên tắc, quản trị, lãnh đạo và công nghệ - sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng những cơ hội do các công nghệ AI mới nổi mang lại.
CSIRO, AI có thể sẽ đạt trị giá 22,17 nghìn tỷ AUD (14,7 nghìn tỷ USD) trong nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. Tuy nhiên, bà Stela Solar - Giám đốc NAIC - cho rằng việc tạo ra AI một cách bất cẩn có thể gây ra những hậu quả lớn, trong đó có các vấn đề về đạo đức và vi phạm dữ liệu. Bà nhấn mạnh: "Chưa có quốc gia nào trên thế giới tạo ra AI có trách nhiệm, nhưng Australia đang có một bước tiến lớn bằng cách hợp tác trên toàn hệ sinh thái để chia sẻ thực tiễn tốt nhất và đáp ứng bối cảnh pháp lý đang phát triển. Mạng AI có trách nhiệm cung cấp dịch vụ độc đáo: hướng dẫn và huấn luyện thực tế từ các chuyên gia về luật, tiêu chuẩn, nguyên tắc, quản trị, lãnh đạo và công nghệ để đảm bảo khả năng giải thích, công bằng và trách nhiệm giải trình được tích hợp trong các hệ thống AI của Australia".
Việc công bố Mạng lưới AI có trách nhiệm diễn ra 2 ngày sau khi NAIC đưa ra một báo cáo về việc các doanh nghiệp ứng dụng AI. Cuộc khảo sát được thực hiện đối với 200 lãnh đạo doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ AI. Kết quả cho thấy các doanh nghiệp đã tạo ra trung bình 361.315 AUD (240.000 USD) doanh thu bổ sung từ mỗi sáng kiến AI mà họ triển khai. Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận có trách nhiệm đối với AI, kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hệ thống của họ.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/australia-ra-mat-mang-luoi-ai-co-trach-nhiem-20230316143132537.htm
4. Nhu cầu từ châu Á sẽ quyết định tương lai kinh tế toàn cầu
Sự thay đổi của kinh tế châu Á được cho là sẽ mang lại triển vọng tăng trưởng dài hạn, nhờ cơ cấu người tiêu dùng mới và các cơ hội trong lĩnh vực dịch vụ.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, sự thay đổi về hình dạng của kinh tế châu Á được cho là sẽ mang lại triển vọng tăng trưởng dài hạn, nhờ cơ cấu người tiêu dùng mới và các cơ hội trong lĩnh vực dịch vụ.
Trong dự báo mới nhất của mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng ước tính tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi ở châu Á từ mức 4,9% lên 5,3% trong năm 2023, cao hơn gấp ba lần tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ và gấp 7 lần tốc độ tăng trưởng của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Mặc dù các ước tính khác khác nhau về số lượng, nhưng tất cả đều thống nhất rằng châu Á đang là “cái nôi” của tăng trưởng. Sự lạc quan trên diện rộng này chủ yếu đến từ hai xu hướng đã tồn tại trong dài hạn.
Đầu tiên là thói quen quản lý tài khóa thận trọng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi cuối những năm 1990 đã giúp hầu hết các nền kinh tế châu lục thoát khỏi đại dịch COVID-19 với rất ít “vết sẹo”. Thứ hai, nền kinh tế nội khối của châu Á đang trải qua một sự thay đổi lịch sử, trong đó phụ thuộc rất ít vào “sức khỏe” của các nền kinh tế phương Tây.
Các nỗ lực quản lý kinh tế tốt hơn chủ yếu nhắm vào việc giải quyết các điểm yếu tiềm ẩn, bao gồm tăng cường dự trữ ngoại hối, kiểm soát lạm phát và đảm bảo rằng các nền kinh tế khu vực không “vấp ngã” trước một môi trường lãi suất và tỷ giá hối đoái tiêu cực.
Ít được chú ý hơn nhưng không kém phần quan trọng là nỗ lực của các tổ chức như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tác động tích cực của các hiệp định như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Những hiệp định này đã giúp tối ưu hóa tiềm năng tăng trưởng lâu dài của khu vực bằng cách gỡ bỏ các rào cản thương mại, khiến khu vực trở nên hấp dẫn hơn khi thu hút vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, các hiệp định cũng làm khuếch đại và củng cố một sự thay đổi cơ cấu sâu sắc trong nền kinh tế khu vực.
Trong nhiều năm, phần lớn các nước đang phát triển ở phía Đông và Đông Nam Á đã tận dụng chi phí lao động thấp để khai thác tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc và các nền kinh tế được gọi là "con hổ".
Điều này tạo ra sự chuyển đổi kinh tế nhanh nhất và sâu sắc nhất trong lịch sử. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã tăng từ 3.250 USD/người hồi năm 1990 lên 20.300 USD/người vào năm 2021, trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ 34 tỷ USD lên 741 tỷ USD.
Hàng trăm triệu người đã có cơ hội làm việc để thoát nghèo. Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, người lao động đã có được thu nhập khả dụng và tham gia vào tầng lớp tiêu dùng.
Viện nghiên cứu chính sách Brookings (Mỹ) ước tính số lượng người tiêu dùng ở châu Á sẽ tăng từ mức 560 triệu người của năm 2000 lên khoảng 3 tỷ người, tương đương 70% dân số khu vực, đến năm 2030, trong khi công ty tư vấn McKinsey & Co. dự đoán châu Á sẽ đóng góp hơn một nửa lượng tiêu thụ toàn cầu đến lúc đó.
Tầng lớp tiêu dùng mới này đang tiêu thụ hàng hóa do châu Á sản xuất, được thể hiện qua các số liệu cho thấy thương mại nội khối đã tăng 50% trong giai đoạn 2019-2022, theo tập đoàn vận tải biển Maersk.
Đây là điều khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế chú ý. Vì thế, thay vì đổ tiền vào sản xuất ở châu Á để xuất khẩu, đầu tư quốc tế đang ngày càng chú trọng vào việc sản xuất tại châu Á cho châu Á.
Ở châu Á, có nhiều cơ hội cho các công ty phương Tây. Một loạt ngành công nghiệp bao gồm các nhà sản xuất ô tô, nhà sản xuất máy công cụ và các nhà bán lẻ xa xỉ đang dựa vào châu Á để thực hiện phần lớn hoạt động kinh doanh mới của họ. Những lĩnh vực này được cho là sẽ tiếp tục phát triển, miễn là lợi thế cạnh tranh vẫn tồn tại.
Triển vọng tăng trưởng thú vị nhất nằm trong các ngành dịch vụ chuyên nghiệp, đặc biệt là những ngành liên quan đến kỹ thuật số toàn cầu có thể tận dụng sự tăng trưởng bùng nổ trong cộng đồng tiêu dùng trực tuyến của châu Á.
Các ước tính mới nhất của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy nhập khẩu dịch vụ thương mại của châu Á đã tăng 9,2% trong năm 2022 và được dự đoán sẽ tăng thêm 5% trong năm 2023. Với việc tầng lớp trung lưu toàn cầu luôn hướng đến các dịch vụ như giáo dục, giải trí, du lịch hay dịch vụ chuyên nghiệp như kế toán, luật và kiến trúc, lĩnh vực dịch vụ được cho là sẽ còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Trong đó, có những cơ hội đặc biệt cho ngành dịch vụ tài chính, ví dụ như dịch vụ quản lý tài sản của tầng lớp người tiêu dùng mới ở châu Á. Một báo cáo của tập đoàn tư vấn Boston được thực hiện vào năm ngoái ước tính châu Á sẽ tạo ra lượng tài sản mới lên đến 22.000 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2025 nếu có sự cải thiện trong cách quản lý tài chính.
Đồng thời, tăng trưởng của khu vực châu Á cùng các đối tác thương mại có thể được nâng cao bằng cách tạo thuận lợi cho thương mại và mở rộng khả năng tiếp cận những sản phẩm tài chính hỗ trợ việc mở rộng và quản lý rủi ro.
Sự gia tăng của tầng lớp tiêu dùng châu Á chắc chắn đang làm nghiêng cán cân ảnh hưởng kinh tế về phía Đông. Khu vực này không chỉ trở nên ít bị tổn thương hơn trước các cú sốc kinh tế bên ngoài, mà còn đang tiến gần tới điểm cân bằng giữa vai trò của kinh tế toàn cầu đối với châu Á và ngược lại.
Do vậy, sẽ là phù hợp khi nói rằng thành công của châu Á chủ yếu dựa trên việc cung cấp cho thế giới, trong khi tương lai của thế giới lại phụ thuộc vào sức mạnh nhu cầu ở châu Á./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhu-cau-tu-chau-a-se-quyet-dinh-tuong-lai-kinh-te-toan-cau/284586.html