[BEST THẾ GIỚI] ĐIỂM TIN NGÀY 29-05-2023 - SẢN PHẨM BÁN CHẠY VÀ DỊCH VỤ TIÊU BIỂU TRÊN THẾ GIỚI

29-05-2023

[BEST THẾ GIỚI] ĐIỂM TIN NGÀY 29-05-2023: Giới thiệu dòng loa cột LINN 360 mới; Trải nghiệm Meta Quest 3, đối thủ lớn với tai nghe thực tế hỗn hợp của Apple; Công nghệ cho phép thanh toán bằng lòng bàn tay ở Trung Quốc; TikTok Shop sẽ là đối thủ đáng gờm của Shopee và Lazada tại thị trường Đông Nam Á

 

1. Giới thiệu dòng loa cột LINN 360 mới

Công ty high-end Anh quốc LINN vừa trình làng dòng loa cột LINN 360 mới của hãng ra thị trường. Dòng sản phẩm bao gồm 2 phiên bản là LINN 360 Exakt Intergrated và LINN 360 Passive Aktiv Bass. Dòng thiết bị ra mắt nhân kỉ niệm 50 năm thành lập LINN.

LINN 360 Exakt Intergrated được tích hợp sẵn công nghệ Exakt với mạch khuếch đại cùng phân tần kỹ thuật số Exakt đều được tối ưu cùng nhau để có thể kết nối trực tiếp với chiếc LINN Klimax DSM. Còn LINN 360 Passive with Aktiv Bass thì sở hữu công nghệ mạch amply Exaktbox và DAC để khiển 2 driver lower-bass. Cụm driver tweeter, midrange và upper-bass được kết nối với amply rời bên ngoài và phân tần analog passive.

Cả 2 đều đi kèm cấu trúc thùng loa mới, khả năng phân tán âm sạch nhất có thể với cấu hình 4 đường tiếng, không có biến dạng hài âm nào nhờ công nghệ mạch Exakt và Space Optimisation, dù phòng nghe có đang được bài trí như thế nào thì hiệu suất trình diễn luôn đạt được mức sâu lắng, tinh tế và “đẹp” chân thật nhất có thể bên cạnh công nghệ củ loa 360 Array.

Bộ đôi loa LINN 360 mới sử dụng cấu hình 4 đường tiếng với hệ thống 360 Array do hãng đặt tên - là cụm 3 driver (tweeter, midrange và upper-bass). Cụm 360 Array kết hợp cùng với 2 subwoofer đem lại tổng cộng 5 driver với mỗi loa.

Cụ thể, đầu tiên là driver tweeter màng Beryllium 19mm được cho là lần đầu tiên xuất hiện trong lĩnh vực audio. Củ loa này được chế tác và lắp đặt in-house, nhà sản xuất cho hay tweeter này sở hữu cộng hưởng, độ méo vốn có đã vượt xa khỏi phạm vi mà tai người có thể cảm nhận được, thậm chí còn vượt qua khỏi cả hệ thống đo lường của các kĩ sư của hãng. Điều này cho kết quả là mang đến thanh âm rõ ràng, “mở ra cửa sổ mới dành cho dải tần số cao hơn”.

Tiếp đến là củ loa midrange 64mm được chế tác từ sợi carbon dệt thành lớp mỏng vốn được áp dụng trong công nghiệp hàng không vũ trụ của NASA và LINN quyết định sử dụng công nghệ vật liệu này nhờ đặc tính độ cứng cao và trọng lượng nhẹ. Yếu tố này cũng sẽ đẩy độ cộng hưởng và méo hài âm vốn có trên củ loa vượt ngưỡng mức nghe mà con người có thể cảm thụ được.

Bên cạnh đó, còn có phần củ loa upper-bass kích thước 190mm làm từ hợp kim nhôm-magie được lựa chọn kĩ lưỡng để có độ cứng vượt trội, cho độ phản hồi và hoạt động của màng loa bass luôn chính xác, không có sai lệch nào.

Phối hợp cùng với hệ thống driver còn có công nghệ độc quyền Power DAC của hãng với nhiệm vụ tăng hiệu quả cao, độ nhiễu ồn cực thấp để khiển củ loa lower-bass. Còn với cụm 360 Array (tweeter, mid, upper-bass) thì sẽ có công nghệ khuếch đại Adaptive Bias Control của mới của LINN, có đặc tính loại bỏ biến dạng bị gây ra bởi mạch khuếch đại bằng cách quản lý, hiệu chỉnh độ động theo thời gian thực, đảm bảo tối ưu hóa mỗi driver luôn ổn định trong mọi tình huống.

Ngoài ra, công ty còn trang bị cho mẫu loa này công nghệ độc quyền Power DAC của hãng với nhiệm vụ tăng hiệu quả cao, độ nhiễu ồn cực thấp để khiển củ loa lower-bass.

Cụm 360 Array (tweeter, mid, upper-bass) sẽ có công nghệ khuếch đại Adaptive Bias Control của mới của LINN, có đặc tính loại bỏ biến dạng bị gây ra bởi mạch khuếch đại bằng cách quản lý, hiệu chỉnh độ động theo thời gian thực, đảm bảo tối ưu hóa mỗi driver luôn ổn định trong mọi tình huống.

Mặt trước Loa LINN 360 có thể thấy được chia thành 2 khu vực riêng gồm cụm 360 Array, nơi mà các tweeter, midrange và upper-bass được đặt trong một tấm hợp kim nhôm 5754, nhằm tạo hiệu ứng đồng tâm cùng với các đường dẫn sóng giúp tối ưu chất lượng trình diễn của các củ loa một cách tinh tế. Không những vậy, chi tiết miếng đồng tâm này còn tác dụng gợi nhớ đến phong cách “âm hưởng” mẫu mâm than LINN Sondek LP12 huyền thoại của hãng.

LINN Exakt Intergrated: 87.500 Bảng Anh (khoảng 2,5 tỷ đồng).

LINN 360 Passive with Aktiv Bass: 55.000 Bảng Anh (khoảng 1,6 tỷ đồng).

 

 

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gioi-thieu-dong-loa-cot-linn-360-moi-post249470.html

 

2. Trải nghiệm Meta Quest 3, đối thủ lớn với tai nghe thực tế hỗn hợp của Apple

Nhà báo Mark Gurman thuộc hãng tin Bloomberg đã trải nghiệm trực tiếp mẫu Quest 3 chưa được Meta Platforms công bố và giải thích vì sao nó có thể là đối thủ lớn nhất của tai nghe thực tế hỗn hợp sắp được Apple ra mắt.

Việc Apple trình làng tai nghe mới chắc chắn sẽ là tin tức lớn nhất trong lĩnh vực thực tế hỗn hợp năm nay. Thế nhưng, Apple sẽ không có thị trường cho riêng mình. Meta Platforms là công ty hàng đầu hiện tại về thực tế mở rộng (XR), kết hợp giữa thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), đồng thời sẽ tiếp tục nâng cấp các thiết bị của mình.

Điều đó sẽ tạo ra cuộc chiến giữa các công ty tai nghe và có thể diễn ra theo cách tương tự như cuộc đua kéo dài 15 năm giữa iPhone chạy iOS với thiết bị Android trong ngành smartphone. iPhone thống trị thị trường smartphone giá cao hơn với hệ sinh thái khép kín. Android thống trị phân khúc cấp thấp với nền tảng mở hơn.

Với tai nghe thực tế hỗn hợp, Apple sẽ ngay lập tức sở hữu thị trường cao cấp (giá hơn 2.000 USD) nhưng Meta Platforms vẫn thống trị ở phân khúc rẻ hơn. Meta Platforms thậm chí có thể được hưởng lợi từ việc Apple giúp phổ biến XR, tận dụng sức hút đó để phục vụ những người tiêu dùng không đủ khả năng mua tai nghe cao cấp.

Cuộc đọ sức này sẽ diễn ra trong vài tháng tới, với việc Apple công bố tai nghe thực tế hỗn hợp của mình vào ngày 5.6 tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) và Meta Platforms có kế hoạch giới thiệu mẫu mới nhất trong tháng 10.2022. Khi thiết bị Apple vẫn còn trong vòng bí mật, Mark Gurman đã có cơ hội dùng thử Quest 3, mẫu tai nghe sắp ra mắt của Meta Platforms.

Mark Gurman đã trực tiếp trải nghiệm phiên bản nguyên mẫu của Quest 3, cố gắng cảm nhận nó sẽ ra sao so với thiết bị Apple. Mark Gurman đã thử giao diện của Quest 3, chế độ truyền video qua lại, các tính năng phần mềm và khả năng chơi game.

Thiết bị này có tên mã là Eureka, nhẹ hơn và mỏng hơn nhiều so với Quest 2 có từ năm 2020. Dây đeo để đội lên đầu có vẻ chắc chắn hơn một chút và sử dụng vải ở hai bên thay vì nhựa như của Quest 2.

Mặt trước thiết bị hoàn toàn mới. Thay vì khuôn mặt màu xám nhạt nhẽo, nó có ba khu vực cảm biến hình viên thuốc dọc ở mặt trước. Mỗi viên thuốc bên trái và bên phải gồm một máy ảnh chuyển qua video màu (phần cho phép bạn nhìn thế giới xung quanh) cũng như một máy ảnh tiêu chuẩn. Điều đó đồng nghĩa Quest 3 có hai camera màu thay vì chỉ có camera không màu trên Quest 2. Viên thuốc ở giữa bao gồm cảm biến độ sâu, lần đầu tiên xuất hiện trên Quest.

Mỗi mặt dưới phía trước Quest 3 đều có một camera theo dõi, trong khi phần đáy có nút chỉnh âm lượng và bánh xe để điều chỉnh IPD (khoảng cách giữa hai đồng tử người dùng). Đó là cải tiến lớn so với Quest 2, yêu cầu bạn phải tháo tai nghe và di chuyển màn hình VR bên trong thiết bị theo cách thủ công. Nút nguồn và cổng USB-C vẫn ở bên hông Quest 3.

Độ rõ nét thực tế và màn hình VR trong Quest 3 mang đến cảm giác tương tự như Quest 2, dù lời đồn đoán cho biết độ phân giải sẽ cao hơn một chút. Song có hai lĩnh vực mà Mark Gurman thấy cải tiến lớn: Quá trình truyền video trực tiếp từ camera bên ngoài vào tai nghe VR và hiệu suất của thiết bị nhanh hơn.

Truyền video qua lại là trái tim của thực tế hỗn hợp. Nó phụ thuộc vào các camera bên ngoài để cho người đeo tai nghe nhìn thấy nguồn cấp dữ liệu video trực tiếp về thế giới thực, tạo ra hiệu ứng AR mà không cần sử dụng kính trong suốt.

Dù Mark Gurman không tin rằng hiệu suất truyền video qua lại của Quest 3 sẽ gần bằng thiết bị Apple (có khoảng 12 camera), nhưng đó là cải tiến rõ rệt so với Quest 2.

Do có hai camera màu RGB, video truyền qua lại trên Quest 3 thể hiện màu sắc chính xác hơn và cung cấp cách hiển thị gần như sống động của thế giới thực. Mark Gurman thậm chí có thể sử dụng smartphone của mình trong khi đeo Quest 3, điều thường không thể thực hiện được với Quest 2.

Tốc độ điều hướng qua giao diện Quest 3, khởi chạy ứng dụng và chơi game cũng được cải thiện nhiều so với Quest 2. Đó là bởi Quest 3 tích hợp phiên bản chip Qualcomm Snapdragon XR2 thế hệ thứ hai.

Dù vẫn chưa tìm thấy ứng dụng chủ đạo cho tai nghe của mình, Meta Platforms có lợi thế hơn Apple trong vài năm về các game hàng đầu được xây dựng cho VR. Apple sẽ cố gắng thách thức điều đó bằng cách cung cấp quyền truy cập vào hàng trăm nghìn ứng dụng iPad và tung ra các công cụ có thể dễ dàng chuyển đổi phần mềm iOS, iPadOS thành các tựa game xrOS – hệ điều hành cho tai nghe thực tế hỗn hợp.

Giống như Quest 2, Quest 3 có thể được hiệu chỉnh bằng điều khiển từ xa bên trái, bên phải và theo dõi tay trong không khí. Không giống thiết bị của Apple và Quest Pro cao cấp hơn, Quest 3 thiếu tính năng theo dõi khuôn mặt và mắt.

Các bộ điều khiển cầm tay của Quest 3 được thiết kế lại và trông tương tự như điều khiển từ xa đi kèm với Quest Pro. Các thành phần này, có màu xám để phù hợp với màu tai nghe, không còn những vòng lớn ở phía trên như Quest 2. Các bộ điều khiển Quest 3 cũng thiếu các camera từng xuất hiện trên Quest Pro. Điều này đồng nghĩa các bộ điều khiển mới có thể gặp khó khăn trong việc xác định vị trí của chúng trong không gian, làm trở ngại khi chơi một số game. Meta Platforms đang cố gắng bù đắp điều đó bằng các cải tiến theo dõi khác nhau.

Cảm biến độ sâu trên Quest 3 hỗ trợ chia lưới môi trường. Điều đó cho phép thiết bị tự động nhận dạng các bức tường xung quanh. Ví dụ trong game, bạn có thể bắn các vật trên tường hoặc phủ một lớp da kỹ thuật số lên môi trường xung quanh. Quan trọng hơn, bạn sẽ không phải xác định thủ công vị trí của từng bức tường trong nhà mình — phương pháp được sử dụng trong Quest hiện tại.

Meta Platforms vẫn chưa quyết định giá cho Quest 3, nhưng những người tham gia vào quá trình phát triển sản phẩm tin rằng nó có thể cao hơn mức 400 USD của Quest 2. Song, Meta Platforms sẽ không sớm tung ra Quest Pro thế hệ thứ hai khi phiên bản đầu tiên không thành công.

Nhìn chung, Mark Gurman rất ấn tượng với trọng tâm thực tế hỗn hợp của Quest 3, khả năng truyền video qua lại được cải thiện nhiều, hiệu suất nhanh hơn và thư viện nội dung lớn. Giả sử Quest 3 có giá khoảng 500 USD thì chỉ bằng khoảng 1/5 giá tai nghe thực tế hỗn hợp của Apple, trong khi hấp dẫn hơn mức 1/5 đó. Với ý nghĩ này, Mark Gurman nghĩ rằng Quest 3 có thể gây tiếng vang trong mùa lễ này, đặc biệt là khi XR là tâm điểm hàng đầu của người tiêu dùng.

Sếp cũ Apple: Tai nghe thực tế hỗn hợp có thể là một trong những thất bại công nghệ lớn nhất

Michael Gartenberg, cựu Giám đốc tiếp thị Apple, nghi ngờ về sự thành công của tai nghe thực tế hỗn hợp mà công ty cũ dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 6.

Michael Gartenberg nói với hãng tin Bloomberg rằng chiếc tai nghe thực tế hỗn hợp này có thể là "một trong những thất bại công nghệ lớn nhất lịch sử".

Michael Gartenberg cho rằng Apple đặt cược rủi ro vào thiết bị này do hiện tại thiếu thị trường lớn cho các tai nghe tương tự (đây cũng là mối lo ngại của nhiều nhân viên Apple) và doanh số bán hàng không đáng kể từ các đối thủ cạnh tranh như Magic Leap hay HoloLens của Microsoft.

"Tôi nghi ngờ có rất nhiều áp lực nội bộ dành cho điều lớn tiếp theo", Michael Gartenberg nói.

Apple đang lên kế hoạch ra mắt tai nghe thực tế hỗn hợp tại WWDC vào ngày 5.6 tới sau sự chậm trễ vài năm qua, bất chấp những lo ngại từ nhân viên Apple về mức giá 3.000 USD, tính hữu dụng tổng thể và cách thức hoạt động của nó.

Bloomberg trước đây đưa tin một số người thử nghiệm sớm nói rằng tai nghe thực tế hỗn hợp được cho có hình dạng giống kính trượt tuyết, đeo không thoải mái và không có ứng dụng chủ đạo.

Michael Gartenberg nói với trang Insider rằng nếu những tin đồn và rò rỉ xung quanh tai nghe thực tế hỗn hợp "chính xác" thì đó "sẽ là một sản phẩm không phải của Apple".

Ông nhận xét: “Apple xây dựng các thiết bị có thể bán được hàng triệu chiếc với tỷ suất lợi nhuận cao, không phải là những thử nghiệm chi phí cao để công bố trước công chúng và bán cho các nhà phát triển hoặc những người đam mê có hầu bao rủng rỉnh. Đây là một mô hình thất bại mà Google đã thử với Glass và Microsoft thử với HoloLens".

Theo Michael Gartenberg, trừ khi tai nghe thực tế hỗn hợp của Apple mang đến "một số trường hợp sử dụng bất ngờ ngoài game, cách sử dụng trên thị trường đại chúng duy nhất mà chúng ta thấy", thì nó có vẻ đắt và quá lớn với bộ pin bên ngoài (được đồn đại).

Ông nói thêm rằng có thể những người ngoài không biết lý do đằng sau việc tung ra tai nghe của Apple, nhưng cũng có khả năng công ty muốn thể hiện sự đổi mới vào thời điểm mà iPhone và iPad chỉ là những sản phẩm lặp lại từ thời Steve Jobs, trong khi các hãng khác đang ra mắt các sản phẩm mới như smartphone gập và dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI).

Michael Gartenberg cho biết: “Nó có thể là một thất bại lớn vì sự cường điệu và thực tế là những kỳ vọng vào Apple đã rất cao kể từ khi iPhone được giới thiệu”.

Michael Gartenberg từng đưa ra suy nghĩ về tai nghe thực tế hỗn hợp này, nói rằng ông không tin đó là "điều lớn lao tiếp theo" của Apple.

"Cho đến khi Apple hoặc bất kỳ công ty nào khác có thể chứng minh một lý do thực sự hấp dẫn để có hàng triệu người muốn đeo kính AR, hoặc thêm VR vào danh sách các lựa chọn giải trí tại nhà của họ, tôi e ngại rằng công nghệ này sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút sự chấp nhận rộng rãi", Michael Gartenberg viết.

Tai nghe thực tế hỗn hợp là sản phẩm quan trọng mới nhất của công ty kể từ khi Apple Watch được phát hành vào năm 2015. Apple Watch sớm nhận phải một số lời chỉ trích và hoài nghi nhưng sau đó đã mang lại doanh thu đáng kể cho Apple và trở thành sản phẩm dẫn đầu thị trường trong danh mục đó.

Apple được cho đã làm việc trên tai nghe thực tế hỗn hợp trong 7 năm, từng bỏ lỡ mốc phát hành vào 2019 và 2022. Hồi tháng 3, một số nhân viên làm việc trên tai nghe thực tế hỗn hợp nói với tờ The New York Times rằng việc phát hành sản phẩm có thể bị trì hoãn một lần nữa do nền kinh tế không chắc chắn. Thế nhưng, Bloomberg khẳng định kế hoạch hiện tại của Apple là công bố thiết bị với thế giới vào ngày 5.6.

 


Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trai-nghiem-meta-quest-3-doi-thu-lon-voi-tai-nghe-thuc-te-hon-hop-cua-apple-198464.html


3. Công nghệ cho phép thanh toán bằng lòng bàn tay ở Trung Quốc

Người dùng WeChat đăng ký lòng bàn tay có thể trả tiền cho các chuyến đi tàu điện ngầm đến sân bay Bắc Kinh.

Mới đây, gã khổng lồ truyền thông xã hội Trung Quốc Tencent Holdings đã cho phép hành khách đi tàu điện ngầm ở Bắc Kinh thanh toán cho các chuyến đi chỉ bằng lòng bàn tay của họ trong một dịch vụ mới được ra mắt tại thành phố Bắc Kinh thông qua dịch vụ WeChat Pay, được gọi là Weixin Pay trong nước.

Bắt đầu từ Chủ nhật, những người dùng đăng ký dịch vụ nhận dạng lòng bàn tay có thể trả tiền cho các chuyến đi đến sân bay Daxing bằng cách đưa tay lên máy quét tại các cửa quay của ga tàu điện ngầm. Việc nhận dạng lòng bàn tay độc đáo sẽ kích hoạt cơ chế thanh toán tự động thông qua tài khoản WeChat của người dùng.

Để đăng ký, dấu vân trên lòng bàn tay phải được thiết lập ở những cỗ máy được chỉ định tại ga tàu điện ngầm. Sau đó, hành khách có thể sử dụng lòng bàn tay của mình để thanh toán cho các chuyến tàu điện ngầm, Tencent cho biết trong một tuyên bố hôm thứ hai.

Theo Tencent, giải pháp do phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo YouTu phát triển dựa trên khả năng nhận dạng dấu vân tay và tĩnh mạch của lòng bàn tay.

“Với mục đích nâng cao hiệu quả và đơn giản hóa đáng kể trải nghiệm người dùng, chúng tôi đang làm cho công nghệ mới trở nên thân thiện hơn với người già và người khuyết tật”, công ty cho biết trong tuyên bố.

Tencent cho biết họ đang dần triển khai phương thức thanh toán độc đáo này trong các môi trường khác như văn phòng, trường học, cửa hàng bán lẻ và nhà hàng.

Phương thức thanh toán mới đã thu hút các cuộc thảo luận sôi nổi trên phương tiện truyền thông xã hội. Nhiều người dùng cho rằng công nghệ mới này sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng đánh cắp dữ liệu sinh trắc học vốn đang diễn ra phổ biến tại quốc gia tỉ dân này.

“Việc thu thập dữ liệu sinh trắc học có thực sự an toàn không?”, một tài khoản Weibo chia sẻ thắc mắc của mình và đã thu hút được rất nhiều bình luận

Một số khác cho biết họ mong đợi công nghệ mới này sẽ thuận tiện hơn các phương thức thanh toán hiện tại. “Nó khá hữu ích khi điện thoại của tôi hết pin và tôi vẫn có thể thanh toán bằng tay”, một người dùng khác nhận xét.

Dịch vụ này hiện chỉ dành cho cư dân ở Trung Quốc đại lục đã hoàn thành quá trình xác minh, một yêu cầu đối với WeChat Pay.

Các công ty công nghệ lớn khác cũng đang nghiên cứu công nghệ này. Alibaba Group Holding, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, đang nghiên cứu công nghệ tương tự cho dịch vụ Alipay của mình, một hồ sơ bằng sáng chế đã tiết lộ điều này, theo báo cáo của hãng truyền thông Tech Planet vào tháng hai.

Được biết, WeChat Pay và Alipay cùng nhau độc chiếm hơn 90% thị trường thanh toán di động ở Trung Quốc đại lục.

Tại Hoa Kỳ, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon.com cũng đã ra mắt công nghệ quét tay của riêng mình có tên Amazon One tại các cửa hàng ngoại tuyến vào năm 2020, sau đó mở rộng công nghệ này đến nhiều địa điểm của chuỗi cửa hàng tạp hóa Whole Foods.

 

 

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cong-nghe-cho-phep-thanh-toan-bang-long-ban-tay-o-trung-quoc-post166996.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat

 

4. TikTok Shop sẽ là đối thủ đáng gờm của Shopee và Lazada tại thị trường Đông Nam Á

TikTok Shop đang phát triển mạnh mẽ và trở thành mối đe dọa với các ông lớn thương mại điện tử ở Đông Nam Á, như Shopee và Lazada.

TikTok Shop là trang thương mại điện tử của ứng dụng video ngắn TikTok và thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance. Trên TikTok Shop, người bán, thương hiệu và người sáng tạo nội dung được phép bán hàng hóa của họ cho người dùng.

Năm 2022, TikTok Shop đã mở rộng sang 6 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan.

Shawn Yang, chuyên viên phân tích tại Viện nghiên cứu Blue Lotus cho biết, đơn vị này ước tính, tổng giá trị hàng hóa từ TikTok vào năm 2023 ở thị trường Đông Nam Á sẽ đạt mức tương đương 20% của Shopee. Sự trỗi dậy của TikTok đã thúc đẩy Shopee đẩy mạnh bán hàng và marketing kể từ tháng 4.

Tương tự, số liệu từ Công ty The Information cho biết, tổng giá trị hàng hóa bán ra (GMV) trên TikTok Shop tại Đông Nam Á đã tăng hơn 4 lần lên mức 4,4 tỷ USD vào năm 2022. TikTok Shop được cho là đang hướng tới mục tiêu tổng giá trị bán hàng đạt 12 tỷ USD vào năm 2023.

Tuy nhiên, con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với Shopee và Lazada. Shopee ghi nhận tổng giá trị bán hàng 73,5 tỷ USD vào năm 2022, trong khi con số ở Lazada là 21 tỷ USD trong năm tài chính tính đến tháng 9/2021.

Phát ngôn viên của TikTok cho biết, TikTok Shop đang tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng khi người dùng lớn và nhỏ đều sử dụng nền tảng này để tiếp cận khách hàng mới. Vị này cho biết, TikTok tập trung vào sự phát triển liên tục của TikTok Shop ở Đông Nam Á.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Insider Intelligence, tính đến tháng 5/2023, TikTok đã có khoảng 135 triệu người dùng ở Đông Nam Á.

Trong đó, Indonesia là quốc gia có số lượng người dùng TikTok lớn thứ 2 sau Mỹ, với khoảng 113 triệu người dùng. Indonesia là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, trong đó những người ở độ tuổi thanh niên chiếm khoảng 52% dân số.

Sachin Mittal, Trưởng bộ phận nghiên cứu lĩnh vực viễn thông và Internet tại DBS, cho biết, lợi thế của TikTok là thúc đẩy người dùng mua hàng khi đang xem video.

Trong khi đó, Sea Group đang dựa vào mảng thương mại điện tử Shopee để cải thiện tình hình tài chính của Tập đoàn. Trong quý 1/2023, Shopee đã báo lãi quý thứ 2 liên tiếp và góp công lớn giúp công ty mẹ có lãi. Trong khi đó, mảng giải trí kỹ thuật số Garena tiếp tục bị giảm doanh thu khi Free Fire - tựa game hàng đầu của Garena, tiếp tục bị cấm tại Ấn Độ với lý do đe dọa tới an ninh quốc gia. Shopee đang mở rộng dấu ấn của mình tại Malaysia và tiếp tục xây dựng hoạt động tại Brazil sau khi rời khỏi một số thị trường châu Âu và Mỹ Latinh.

Theo cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty nghiên cứu chuyên sâu về bán lẻ trực tuyến Cube Asia cho biết, người dùng có mua sắm trên TikTok Shop đang giảm chi tiêu cho Shopee (-51%), Lazada (-45%), kênh offline (-38%) ở Indonesia, Thái Lan và Philippines.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích trang web Similarweb, Shopee hiện là trang web thương mại điện tử lớn nhất tại Đông Nam Á, chiếm từ 30%-50% lượng truy cập trên toàn khu vực trong 3 tháng qua, trong khi Lazada giữ vị trí thứ hai với 10%-30% lưu lượng truy cập.

Jonathan Woo, Chuyên viên phân tích của Phillip Securities Research, cho biết: TikTok đang chi số tiền đáng kinh ngạc để thu hút cả người mua và người bán. Chiến lược này có thể sẽ không bền vững.

Woo cho rằng, TikTok đầu tư khoảng 600-800 triệu USD/năm cho các ưu đãi này, tức chiếm 6%-8% tổng giá trị bán hàng trong năm 2023.

Để khuyến khích người bán tham gia nền tảng, TikTok Shop đã miễn thu phí hoa hồng khi ra mắt tại thị trường Singapore vào tháng 8/2022. Người bán chỉ phải trả phí thanh toán 1%. Trong khi đó, Shopee thu hơn 5% phí hoa hồng, giao dịch và dịch vụ.

Theo phóng viên của CNBC cho biết đã có tới 27 cuộn giấy vệ sinh 4 lớp từ Nomieo được bán trên TikTok với giá 5.8 SGD, trong khi mặt hàng này có giá 16.8 SGD trên Shopee.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích ứng dụng Apptopia cho biết số lượt tải ứng dụng TikTok Shop Seller Center ngày càng tăng trong 12 tháng qua.

Ông Woo cho rằng TikTok Shop vẫn còn rất non trẻ và đang trong giai đoạn đầu tư mạnh để tăng trưởng. Đây là điều không tốt trong giai đoạn chi phí sử dụng vốn cao như hiện nay.

Ông cho biết: TikTok Shop cũng chỉ là một nền tảng và không có quy trình đầu cuối (end-to-end) như Shopee và Lazada. Hiện hai đối thủ của TikTok đang đầu tư mạnh vào logistics để giúp giao hàng nhanh hơn, từ đó cải thiện trải nghiệm người dùng và củng cố niềm tin của người mua lẫn người bán

Woo cho biết TikTok cũng có cơ sở người dùng thấp hơn, chủ yếu là những người trẻ. Điều này khiến cho khả năng chi tiêu của họ sẽ ít hơn.

Mittal cho biết: Tôi không nghĩ TikTok là mối đe dọa lớn với Shopee. Shopee có thể chấp nhận mất một số thị phần, nhưng Lazada thì không.

Vào năm 2020, Shopee vượt Lazada để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á. Sau đó, Lazada cũng cố gắng để bắt kịp nhưng vẫn chưa thành công.

Ông Woo nhận định rằng: TikTok Shop có tiềm năng lớn như Shopee hay Lazada, nhưng có thể sẽ mất khá nhiều năm. Vị chuyên gia này cho rằng tổng giá trị hàng bán của Shopee hiện vượt quá xa so với Shopee.

 

 

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tiktok-shop-se-la-doi-thu-dang-gom-cua-shopee-va-lazada-tai-thi-truong-dong-nam-a-post322417.html


Nga Võ (tổng hợp, nguồn hình: Internet) - VietKings


 

Content1 (mobil)