[BESTVIETNAM] ĐIỂM TIN NGÀY 17-01-2023 - SẢN PHẨM BÁN CHẠY VÀ DỊCH VỤ TIÊU BIỂU TẠI VIỆT NAM

17-01-2023

[BESTVIETNAM] ĐIỂM TIN NGÀY 17-01-2023: Triển vọng sản xuất mô tô bay tại Việt Nam; Những sản phẩm đèn lồng làm từ mây tre đan nức tiếng ở Nghệ An; Việt Nam tăng trưởng kinh tế số mạnh nhất khu vực Đông Nam Á; Xuất khẩu vươn tới các mục tiêu mới

 

1. Triển vọng sản xuất mô tô bay tại Việt Nam

Nhiều nước đã sản xuất, thử nghiệm các phương tiện bay cá nhân với tên gọi như mô tô bay, ô tô bay và Việt Nam cũng bắt đầu quan tâm lĩnh vực này.

Mô tô bay là một loại hình vận chuyển cá nhân lẫn hành khách còn mới mẻ không chỉ tại Việt Nam (VN) mà cả trên thế giới. Các chuyên gia và cơ quan quản lý cho rằng lợi ích từ các phương tiện bay cá nhân mang lại là rất lớn, tuy nhiên cần lộ trình dài để thử nghiệm, xây dựng hạ tầng, hành lang pháp lý trước khi cấp phép hoạt động khai thác.

Mô tô bay “made in Vietnam”: Nhiều cơ hội

Mới đây, tại Triển lãm Vietnam Motor Show 2022, một công ty công nghệ của VN là Airlios đã mang tới trình diễn một số mẫu thiết bị bay cá nhân được gọi là mô tô bay do chính doanh nghiệp này thiết kế và chế tạo.

Theo giới thiệu của công ty, mô tô bay đã bay thử nghiệm hơn 100 giờ và di chuyển với tổng quãng đường 1.000 km tại khu vực an toàn. Phương tiện bay được cấu thành từ hai vật liệu chính là hợp kim nhôm và sợi carbon, cánh quạt làm bằng gỗ, phủ carbon bên ngoài. Thiết bị vận hành nhờ tám động cơ, nguồn năng lượng đến từ pin lithium-ion và một nguồn điện dự phòng với thiết lập pin kép. Trong trường hợp một động cơ nào đó gặp lỗi hoặc hỏng, mô tô bay vẫn hoạt động bình thường rồi tự tìm chỗ đáp gần và nhanh nhất.

“Mô tô vận hành bằng hai cách, một là người lái trực tiếp điều khiển và hai là lái tự động. Người cầm lái phải trải qua khóa đào tạo của Airlios. Nếu chọn lái tự động thì người dùng lựa chọn điểm đến và mô tô sẽ bay theo lịch trình đã được mã hóa, đăng ký và giám sát để đảm bảo an toàn” - đại diện công ty này chia sẻ.

 

 

Sản phẩm này tương lai có thể sẽ phổ biến vì sự hữu dụng của nó nhưng cần một quá trình dài để thử nghiệm, đánh giá.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết về pháp lý hiện chưa có nhiều quy định liên quan đến dòng sản phẩm mô tô bay tại VN. Pháp lý hàng không của VN thường dùng cho những phương tiện đã được ứng dụng thực tế chứ chưa có quy định đi trước. Lĩnh vực này các nước phát triển đã đi trước và VN nên tham khảo để có quy định phù hợp.

Ông Tống hoan nghênh ý tưởng của Airlios và nhận định loại hình này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, việc di chuyển trên không sẽ hỗ trợ cả trong TP. Tuy nhiên, sản phẩm này rất kén khách hàng, chưa kể về mặt giao thông phải lưu ý nhiều, nếu sử dụng tràn lan sẽ mất an toàn.

“Nhà nước cũng phải xem xét đưa ra những quy định pháp luật về loại hình này. Ví dụ như kiểm định mô tô bay đủ điều kiện an toàn bay hay không và kiểm tra định kỳ” - ông Tống góp ý.

Phương tiện bay cá nhân của Airlios dự kiến sẽ chào bán với mức giá khoảng 2,2-2,4 tỉ đồng. Với phiên bản tiêu chuẩn, mô tô bay “made in Vietnam” có chiều dài 1,9 m, cao 1,15 m và sải cánh 2 m. Trọng lượng tĩnh 220 kg và trọng lượng cất cánh tối đa là 320 kg, tải trọng đạt 100 kg. Mô tô bay chỉ có một chỗ ngồi. Quãng đường bay tối đa 33 km, tốc độ tối đa
100 km/giờ và thời lượng bay tối đa 20 phút. Độ cao bay dưới 120 m. Dự kiến sản phẩm thương mại sẽ chính thức bán ra thị trường vào năm 2027 dưới hình thức bán đứt hoặc cung cấp dịch vụ vận tải.

Cần lộ trình dài để ứng dụng thực tế

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng ở nước ngoài đường điện đi chìm dưới đất thì mô tô bay là khả thi, còn VN có nhiều dây điện, kể cả điện cao thế nên sẽ khá bất tiện. Mặc dù mô tô bay có lập trình để né chướng ngại vật nhưng không thể khẳng định được là nó hoạt động ổn định trong suốt quá trình bay.

Theo ông Dũng, đây là dòng sản phẩm có ý tưởng tốt nhưng khó khả thi tại VN. Nếu áp dụng thì chỉ phù hợp với những khu vực riêng, nơi để trải nghiệm như du lịch, tham quan giống như trải nghiệm máy bay trực thăng tham quan tại TP.HCM.

“Giá sản phẩm 2-2,4 tỉ đồng cũng chỉ tiếp cận được giới nhà giàu. Chưa kể giống như ô tô điện, vấn đề tuổi thọ pin và trạm sạc rất quan trọng. Một vấn đề pháp luật đặt ra là giấy phép điều khiển phương tiện với người lái mô tô bay sẽ được quy định như thế nào” - ông Dũng đặt vấn đề.

Cũng có nhiều băn khoăn, ông Trần Doãn Mậu, Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, cho biết các phương tiện bay dạng cá nhân cũng giống như các vật thể bay không người lái như flycam, drone phải đăng ký với Bộ Quốc phòng. Bộ Quốc phòng sẽ quản lý, cấp phép để hạn chế tối đa nguy cơ gây mất an toàn cho các hoạt động quân sự, dân dụng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Đối với mô tô bay còn phức tạp hơn vì có chở người, kích thước lớn hơn, nguy cơ mất an toàn càng cao.

Theo ông Mậu, chuyện cấp phép mô tô bay dạng phương tiện bay cá nhân còn là câu chuyện dài, nhiều nước cũng mới chỉ dừng lại ở dạng nghiên cứu, thử nghiệm, hoạt động giải trí hoặc trong một khu vực nhỏ.

“Ở VN hay ở đâu thì tiềm năng phương tiện bay cá nhân là rất lớn vì những lợi ích nó mang lại. Tuy nhiên, trên hết vẫn là tính an toàn phương tiện, người sử dụng phương tiện, an toàn bay quân sự, dân sự phải được tính toán, xem xét rất chặt chẽ” - ông Mậu nêu ý kiến.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN, cho biết hiện thế giới một số hãng đã bắt đầu đầu tư nghiên cứu về dạng phương tiện bay cá nhân như mô tô bay, ô tô bay. Tuy nhiên, tất cả đều còn ở dạng thử nghiệm chứ chưa cấp phép hoạt động phổ biến.

Tại VN, các phương tiện bay cá nhân phải đăng ký, xin phép cơ quan quản lý, hiện cục chưa nhận được thông tin đăng ký, cấp phép các sản phẩm dạng như mô tô bay từ đơn vị trong hay ngoài nước. Ngoài Bộ GTVT, Cục Hàng không VN thì việc thử nghiệm các phương tiện bay cũng phải đăng ký, xin cấp phép với Bộ Quốc phòng như các thiết bị bay không người lái. Sau đó sẽ có hội đồng xem xét, đánh giá rồi mới cho phép sản xuất, khai thác, khoanh vùng được phép hoạt động.

“Sản phẩm này tương lai có thể sẽ phổ biến vì sự hữu dụng của nó nhưng cần một quá trình dài để thử nghiệm, đánh giá. Ví dụ như đối với máy bay được cấp chứng chỉ đủ điều kiện hoạt động khai thác vì hiện đã có hạ tầng như sân bay, quản lý vùng bay, các quy định của pháp luật rõ ràng” - ông Thắng chia sẻ.

 

Nguồn PLO: https://plo.vn/trien-vong-san-xuat-mo-to-bay-tai-viet-nam-post716748.html

 

2. Hàng Việt tự tin gõ cửa xứ Chùa Vàng

Lần đầu tham dự Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, thương hiệu socola và cacao MISS EDE đã làm các nhà thu mua từ Tập đoàn Central Group Thái Lan và báo chí hai nước đều bất ngờ.

Thay đổi cách tiếp cận

Tháng 11/2022, hơn 70 doanh nghiệp Việt lên đường tham dự Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, mang theo hứng khởi và niềm tin khai phá một thị trường mới.

5 ngày diễn ra Tuần hàng, sắc đỏ của dải đất hình chữ S tràn ngập trung tâm thương mại lớn nhất Thái Lan CentralwOrld. Ngoài gian hàng của các doanh nghiệp, 2 địa phương ở 2 đầu đất nước là Lào Cai và Cà Mau cũng mang đến Bangkok giới thiệu hàng loạt nông sản miền cao và hải sản miền biển cũng như quảng bá du lịch và các giá trị văn hóa vùng miền.

Lần đầu tham dự Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, thương hiệu socola và cacao MISS EDE thu hút người tiêu dùng xứ Chùa Vàng với hình ảnh cô gái Tây Nguyên xinh đẹp mang trên mình bộ váy thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ê-đê.

Tại đây, MISS EDE đã làm được điều khiến các nhà thu mua từ Tập đoàn Central Group Thái Lan và báo chí hai nước bất ngờ: phát socola và cà phê hoàn toàn miễn phí. Điều đặc biệt là trên mỗi sản phẩm, MISS EDE đều gắn mã QR dẫn đến một khảo sát về sản phẩm. Các nhân viên của MISS EDE mời người tiêu dùng Thái Lan dùng thử sản phẩm, sau đó tham gia khảo sát về mức độ yêu thích đối với chính các sản phẩm đó. Chỉ trong một ngày, MISS EDE đã thu về hơn 100 ý kiến của khách hàng Thái Lan về sản phẩm cũng như thị hiếu của họ.

Kết quả rất khả quan, khi hơn 80% sản phẩm của MISS EDE phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Thái Lan.

 

 

Những thống kê này ngay lập tức được đội ngũ của MISS EDE đặt lên bàn kết nối kinh doanh sáng 17/11 của 5 nhà thu mua thuộc 5 ngành nghề của Central Group tại Thái Lan gồm Tops Food Hall, Tops Market, Tops CLUB, B2S OfficeMate, Central Restaurants Group - CRG trong khuôn khổ Tuần hàng.

“Buyer đã thấy trực tiếp sản phẩm, trực tiếp dùng thử ngay tại bàn đám phán, có đánh giá chủ quan riêng. MISS EDE cũng đã giải quyết nỗi lo lớn cho buyer là: sản phẩm này có phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Thái Lan hay không, giờ việc còn lại là chờ đợi thôi”, anh Hoàng Danh Hữu - người sáng lập thương hiệu MISS EDE bày tỏ sau buổi kết nối.

Xây dựng chuỗi sản phẩm bền vững

Trao đổi với báo chí, anh Hữu tự tin và tự hào về thương hiệu MISS EDE, đặc biệt về chất lượng sản phẩm.

Anh Hữu đã làm việc ở bộ phận Kinh doanh thức ăn chăn nuôi của Cargill Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Cargill - Hoa Kỳ) 8 năm. Trong quá trình làm việc, có cơ hội thường xuyên tới Tây Nguyên, anh nhận thấy cacao của Tây Nguyên có giá trị thương mại cao nếu lựa chọn được hướng đi phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là xu thế tiêu dùng trẻ hiện nay.

Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 45km về phía Bắc là vùng nguyên liệu hơn 300 hecta thuộc Hợp tác xã cà phê Ea Tân, thuộc huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk với 156 thành viên. Đây là vùng canh tác cà phê đầu tiên của cả Việt Nam áp dụng mô hình canh tác bền vững theo tiêu chuẩn UTZ dưới sự tài trợ của World Bank và Simexco Dak Lak. Mô hình canh tác này nhằm giúp cân bằng giữa kế sinh nhai của nông dân, bảo vệ môi trường sống và mang lại sản phẩm cho người tiêu dùng chất lượng tốt hơn.

Đến vụ thu hoạch, kỹ sư của HTX cà phê Ea Tân sẽ thường xuyên hỗ trợ kiểm tra lượng đường, độ chín của cà phê, và khi đạt tiêu chuẩn cà phê được bà con nông dân thu hái sẽ được chính các hộ nông dân tách lựa ngay tại nhà bằng một máy tách quả chín theo công nghệ nhận diện độ cứng của vỏ quả do HTX Ea Tân tài trợ. Từ đây, nông dân sẽ có 100% cà phê chín đỏ và đóng bao chở đến nhà sơ chế của HTX cà phê Ea Tân ngay trong buổi chiều tối cùng ngày.

Với điều kiện lý tưởng như vậy, nhưng cà phê hạt của HTX Ea Tân trước giờ chỉ được dùng để xuất khẩu thô sang thị trường châu Âu.

Trăn trở về việc phát triển một chuỗi sản phẩm bền vững từ khâu canh tác của người nông dân đến khâu mua sắm của người tiêu dùng, năm 2018, anh Hoàng Danh Hữu đã quyết định từ bỏ công việc, tìm về Đắk Lắk để quyết tâm theo đuổi ước mơ “đổi đời” cho cacao Việt Nam và sáng lập thương hiệu MISS EDE thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE vào năm 2019.

Anh Hữu chia sẻ, việc một doanh nghiệp có thể tự làm các khâu trong chuỗi sản phẩm từ A đến Z chỉ phù hợp với các nước có nền nông nghiệp tập trung với diện tích canh tác siêu lớn trên một hộ nông dân. Còn EDE lựa chọn phương thức liên kết hợp tác với nông dân thông qua hợp tác xã nông nghiệp, giúp cùng lúc nhiều nông dân thực hiện chung một quy trình canh tác, thời điểm thu hoạch, công nghệ sơ chế,… và từ đó, đảm bảo đồng bộ về chất lượng của sản phẩm cà phê, ca cao.

Sau khi ký kết hợp tác với EDE, thay vì dừng ở cà phê thô, HTX Ea Tân tiếp tục tiến hành sơ chế cà phê theo 2 phương pháp là Natural và Honey, cà phê được lên men yếm khí để cho lượng đường của vỏ và vỏ nhờn của quả được lên men, giúp thay đổi hàm lượng caffein và tạo ra mùi hương đặc trưng của cà phê MISS EDE.

“Cứ như vậy, chúng tôi trở thành một trong những đơn vị tiên phong chỉ sử dụng duy nhất nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ vùng canh tác bền vững này”, anh Hữu vừa cười vừa chia sẻ. Đây là một bước đi táo bạo với một thương hiệu cà phê mới.

Tín hiệu tích cực

Ngày 20/11, Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan kết thúc.

Ngày 21/11, MISS EDE gửi kết quả khảo sát đã thực hiện tại Thái Lan đến các nhà thu mua.

Và ngày 22/11, quay trở lại Việt Nam, tôi nhận được tin nhắn từ anh Hữu: “...sáng mở mắt nghe tiếng ting ting báo mail đến, mở ra thấy nhà mua bên Thái Hãy gửi cho chúng tôi báo giá FOB của bạn, tôi chờ email bạn phản hồi sớm, vui quá trời!”.

Vậy là, sau khi tiếp xúc với 5 nhà thu mua ở Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, đến nay đã có 2 nhà thu mua đánh giá tốt về sản phẩm của MISS EDE và gửi email yêu cầu báo giá. Đặc biệt hơn, có 1 nhà thu mua - là doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc nhiều năm nay - cũng bày tỏ sự hài lòng với sản phẩm và đang tiến hành thương lượng về giá để tiếp tục làm việc với nhà nhập khẩu tại Trung Quốc.

Không chỉ MISS EDE, hơn 70 doanh nghiệp tham gia trưng bày và kết nối giao thương tại Tuần hàng cũng thu về những kết quả tích cực, quảng bá cho những sản phẩm Việt Nam đặc trưng, thế mạnh của Việt Nam, được lựa chọn kỹ lưỡng với một số yếu tố riêng biệt như: sản phẩm có những yếu tố cải tiến vượt bậc, sản phẩm mới, tốt cho sức khỏe, có nguồn gốc từ tự nhiên, canh tác hữu cơ; sản phẩm được quản lý, truy vết chất lượng sản phẩm qua công nghệ Blockchain; sản phẩm thuộc chương trình OCOP Elite; sản phẩm thuộc chương trình trọng điểm, kinh tế tuần hoàn…

Đánh giá cao sự đa dạng và độc đáo của các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt mang đến Tuần hàng quảng bá, bà Yada Sirichote - Quản lý Danh mục cung ứng đặc sản, Central Food Retail (Thái Lan) cho biết trong 17 doanh nghiệp bà đã tiến hành trao đổi, kết nối, có đến 7 doanh nghiệp thu hút sự quan tâm và cho thấy tiềm năng hợp tác với Central Food Retail.

“Chúng tôi thực sự rất bất ngờ với sự thay đổi của các doanh nghiệp Việt Nam sau mỗi lần tổ chức Tuần hàng. Các doanh nghiệp ngày càng chuyên nghiệp, có những doanh nghiệp đã xuất khẩu đến 10 quốc gia, thậm chí có những sản phẩm thảo dược hay gia vị mà doanh nghiệp tôi chưa gặp bao giờ”, bà Yada Sirichote chia sẻ.

Tất nhiên, để đi đến chính thức hợp tác, ký kết hợp đồng có lẽ các doanh nghiệp Việt còn phải trải qua một chặng đường dài. Tuy nhiên, những trải nghiệm thu được tại Tuần hàng Thái Lan tại Việt Nam có lẽ sẽ là quan trọng hơn cả để doanh nghiệp hiểu được thị hiếu người tiêu dùng quốc tế, hiểu được cách làm việc của nhà mua hàng nước ngoài, nhìn nhận được những lợi thế và hạn chế của sản phẩm, thương hiệu và để sự điều chỉnh, hoàn thiện, để chinh phục thêm nhiều thị trường.

 

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hang-viet-tu-tin-go-cua-xu-chua-vang-102217.htm

 

3. Việt Nam tăng trưởng kinh tế số mạnh nhất khu vực Đông Nam Á

Sau hai năm đại dịch vừa qua đã đẩy nhanh xu hướng thay đổi thói quen mua sắm và kinh doanh trực tuyến của Việt Nam theo hướng tích cực.

Mua sắm online ngày càng sôi động

Sức nóng của các kênh bán hàng online, bán hàng qua livestream ngày càng thu hút người tiêu dùng. Dễ nhận thấy những buổi livestream túi xách hàng hiệu hay quần áo trên các kênh facebook khiến nhiều chị em “tranh nhau” chốt đơn hàng online không ngần ngại.

Cũng trên nền tảng Facebook, có những bài viết của các hot facebooker thu hút hàng chục ngàn like và hàng ngàn lượt chia sẻ. Còn trên nền tảng Youtube thì không phải nói, nhiều kênh youtube thu hút hàng triệu subscribers.

Nếu như trước kia tâm lí người tiêu dùng phải đến tận nơi xem trực tiếp sản phẩm thì bây giờ họ chỉ cần ngồi một chỗ và sẵn sàng đặt mua những món hàng có giá trị cao lẫn những món ăn, vật dụng hàng ngày. Hay như món cá kho của làng Vũ Đại, một ngôi làng khá xa xôi ở Hà Nam, đã được cả nước biết đến như là một đặc sản ngày Tết. Nhưng bây giờ, món ăn này đã được chở đi khắp nơi nhờ vào những đơn hàng online, giúp cải thiện cuộc sống của rất nhiều người làng.

 

 

Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử ở Việt Nam được phản ánh qua sự gia tăng số lượng người mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm trung bình của mỗi người mua. Số lượng người mua sắm trực tuyến đã tăng từ 30,3 triệu người lên 54,6 triệu người vào năm 2021, ước tính có thể đạt 57 - 60 triệu người năm 2022.

Giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của một người cũng tăng từ 160 đô la Mỹ vào năm 2015 lên 251 đô la Mỹ vào năm 2021 và ước tính đạt 260-285 đô la Mỹ năm 2022.

Báo cáo Chỉ số doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 và 2022 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã tiến hành khảo sát 6.582 doanh nghiệp cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp bán hàng trên các trang mạng xã hội có chiều hướng tăng dần, từ 28% năm 2015 lên 57% năm 2021. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử cũng tăng từ 13% năm 2015 lên 22% năm 2021.

Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm các kênh kinh doanh khác nhau, theo kịp với xu hướng trong nước và thế giới. Dù không phát triển mạnh như thị trường thương mại điện tử B2C, thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) cùng dần phổ biến hơn.

Số doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua sàn thương mại điện tử tăng từ 13% năm 2018 lên 29% năm 2020. Hơn 88% doanh nghiệp được khảo sát xác nhận nhận đơn đặt hàng qua các ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động năm 2021 (so với 45% năm 2018).

Năm 2021, 18% doanh nghiệp có sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử phục vụ mục đích xuất nhập khẩu, trong đó nhóm doanh nghiệp lớn chiếm tỷ lệ cao hơn so với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (lần lượt là 32% và 17%). Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử và hóa đơn điện tử cũng tăng dần qua các năm.

Dự báo kinh tế số Việt Nam mạnh nhất khu vực Đông Nam Á

Google, Temasek và Bain & Company đã dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng kinh tế số mạnh nhất khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng được dự báo ở mức trung bình 31%/năm cho giai đoạn 2022-2025. Trong đó, thương mại điện tử tăng từ 5 tỷ USD năm 2019 lên 14 tỷ USD vào năm 2022 và dự báo có thể đạt 32 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng là 37%.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ trọng các doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng số đạt hơn 30%, vượt so với kế hoạch đặt ra là 30%. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP trong năm 2022 ước tính là hơn 14%, trong khi năm 2021 ước đạt hơn 12%; Số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 70 nghìn doanh nghiệp, tăng gần 6,2 nghìn doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ 0,7 doanh nghiệp trên 1 nghìn dân.

Nghị quyết 01 của Chính phủ xác định năm 2023 là "Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới". Sớm hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Xây dựng và phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn - an ninh thông tin, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã.

Bước chuyển đổi ngoạn mục

Cũng theo đánh giá của Trung tâm Năng lực Cạnh tranh Kỹ thuật số Châu Âu (ECDC) năm 2021, Việt Nam có mức độ tiến bộ lớn nhất về tư duy chuyển đổi số ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Cụ thể, Việt Nam đã tăng 339 điểm, đạt mức cải thiện cao nhất trong cả 2 nhóm chỉ số (chỉ số hệ sinh thái tăng 139 điểm và chỉ số tư duy tăng 200 điểm). Xếp thứ hai là Trung Quốc, với mức tăng 211 điểm, trong đó hệ sinh thái tăng 81 điểm và tư duy tăng 130 điểm.

Hầu hết các nước cải thiện tốt mức độ tiến bộ về chuyển đổi số đều đặt ra những mục tiêu tham vọng và xây dựng các chương trình toàn diện để đạt được mục tiêu đó.

Việt Nam với mục tiêu có nền nền kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trung Quốc cũng đã ban hành chương trình Made in China 2025 và thực hiện thúc đẩy toàn diện tinh thần khởi nghiệp và đổi mới.

Mục tiêu và tham vọng chúng ta đã có, việc còn lại hành động như Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2022 của Bộ TT&TT rằng, năm 2020 là năm khởi động chuyển đổi số, năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số, năm 2022 là tổng tiến công về chuyển đổi số còn năm 2023 sẽ là năm chuyển đổi số đem lại những giá trị thực chất.

 

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/viet-nam-tang-truong-kinh-te-so-manh-nhat-khu-vuc-dong-nam-a-2101958.html

 

4. Xuất khẩu vươn tới các mục tiêu mới

Năm 2023, Sở Công thương Hà Nội đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Thủ đô tăng khoảng 6% so với năm 2022. Để đạt mục tiêu này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp để nắm bắt xu hướng thị trường, nâng cao năng lực, chất lượng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam.

Năm 2022, hoạt động xuất, nhập khẩu gặp nhiều tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, xung đột tại Ukraine kéo dài và lạm phát cao ở nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Ngoài ra, giá xăng dầu, khí đốt, sắt thép… tăng khiến chi phí đầu vào của các ngành sản xuất, dịch vụ đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp, hoạt động xuất khẩu đã vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tích cực. Theo Cục Thống kê Hà Nội, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Thủ đô ước đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với năm 2021, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch là tăng 5% và gấp gần 4,7 lần mức tăng của năm 2021 (năm 2021 tăng 2,2%).

Trong đó, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với năm 2021 như hàng dệt, may tăng 15,7%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện tăng 16,3%; xăng dầu tăng 83,6%; gỗ và sản phẩm từ gỗ 17,5%; hàng nông sản tăng 12,2%... Điều đáng nói là các doanh nghiệp trong nước đã dần dần giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xuất khẩu khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 9 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,1 tỷ USD.

 

 

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội -CTCP (Tập đoàn BRG) Lê Anh Tuấn, trước tình hình nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa, đơn hàng bị hủy do dịch Covid-19, đơn vị đã cố gắng tìm kiếm thị trường mới, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu. Cùng với đó, chủ động nguồn hàng xuất khẩu thông qua đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến hàng nông sản... Hiện nay, các mặt hàng của doanh nghiệp đã được xuất khẩu tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn triển khai hướng xuất khẩu thông qua các Tập đoàn bán lẻ đa quốc gia, sàn thương mại điện tử quốc tế như AEON, Amazon, Alibaba… Giám đốc Xuất khẩu Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn Trần Thị Hoài Tú cho biết, nhờ chuyển đổi phương thức kinh doanh, chú trọng ứng dụng nền tảng số, quảng bá hàng hóa tại các sàn thương mại điện tử, sản phẩm của công ty xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử đã chiếm tỷ lệ 20% sản lượng hàng hóa. Hình thức này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian, trong khi lợi nhuận có thể tăng gấp ba lần so với xuất khẩu theo cách truyền thống.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Trần Thị Phương Lan cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Sở đã thường xuyên cập nhật, thông tin kịp thời tình hình thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới, các quy định, văn bản chỉ đạo, điều hành mới liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu… để doanh nghiệp nắm bắt. Thành phố cũng hỗ trợ các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.

Sở Công thương còn biên soạn, phát hành định kỳ các bản tin “Thị trường các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và tiềm năng của Hà Nội”, tổ chức các lớp tập huấn về các Quy định mới trong xuất xứ hàng hóa và chống gian lận xuất xứ... Đáng lưu ý, thành phố Hà Nội đang tiếp tục triển khai Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024” nhằm tranh thủ các nguồn lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu…

Tiếp bước thành công của năm 2022, năm nay, ngành Công thương Hà Nội đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm trước. Để đạt mục tiêu này, ngành Công thương Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Kế hoạch về hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và của nước ngoài tại Việt Nam, những tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ lớn... để đẩy mạnh hoạt động giao thương kết nối doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan tăng cường khai thác các thị trường còn tiềm năng; hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề tiếp cận các thông tin về thị trường xuất, nhập khẩu, nhất là các chính sách mới, từng bước chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với thương hiệu riêng. Bên cạnh đó, có giải pháp đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tập trung triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực.

Để lĩnh vực xuất khẩu phát triển bền vững, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường, có kế hoạch sản xuất, xuất khẩu phù hợp, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xuat-khau-vuon-toi-cac-muc-tieu-moi-post735220.html


Nga Võ (tổng hợp, nguồn hình: Internet) - VietKings


 

Content1 (mobil)