[BESTVIETNAM] ĐIỂM TIN NGÀY 18-03-2023 - SẢN PHẨM BÁN CHẠY VÀ DỊCH VỤ TIÊU BIỂU TẠI VIỆT NAM

18-03-2023

[BESTVIETNAM] ĐIỂM TIN NGÀY 18-03-2023: Việt Nam là nhà xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn thứ ba thế giới; Sản phẩm của Việt Nam gây ấn tượng tốt tại Hội chợ Thủy hải sản Bắc Mỹ 2023; WB: khu vực dịch vụ của Việt Nam đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế; Phát triển dịch vụ tài chính bán lẻ dựa trên nền tảng công nghệ số

 

1. Việt Nam là nhà xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn lớn thứ ba thế giới

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đứng thứ ba thế giới về lượng và đứng thứ hai về giá trị kim ngạch.

 

 

Theo bản tin thị trường nông, lâm thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 2/2023, Việt Nam xuất khẩu 467.998 tấn sắn và sản phẩm từ sắn, đạt 176,1 triệu USD, tăng 98,2% về lượng và 90% về trị giá so với tháng 1/2023. So với cùng kỳ năm 2022, lượng và trị giá xuất khẩu mặt hàng trên cũng tăng lần lượt 88,8% và 74,2%.

Trong đó, xuất khẩu sắn đạt 188.310 tấn, trị giá 51,06 triệu USD, tăng 221,1% về lượng và tăng 239,1% về trị giá so với tháng 1/2023. So với tháng 2/2022, xuất khẩu sắn tăng 82,5% về lượng và tăng 75% về trị giá.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 703.470 tấn, đạt 268,09 triệu USD, tăng 38,7% về lượng và tăng 25,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sắn đạt 246.440 tấn, đạt 65,71 triệu USD, tăng 35,9% về lượng và 31,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Về thị trường, trong tháng 2/2023, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 93,36% tổng lượng xuất khẩu của cả nước với 436.900 tấn, trị giá 161,98 triệu USD, tăng 88,7% về lượng và tăng 71,9% về trị giá so với tháng 2/2022.

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 659.840 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 248,14 triệu USD, tăng 37,1% về lượng và tăng 23,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đứng thứ ba thế giới về lượng (sau Thái Lan, Campuchia) và đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu (sau Thái Lan).

Tuy nhiên, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam vẫn phải qua nhiều khâu trung gian và hơn 90% lượng sắn xuất khẩu đều sang thị trường Trung Quốc. Trong khi chi phí logistics của Việt Nam cao, nên hiện nay xuất khẩu sắn của Việt Nam gặp cạnh tranh về thị trường xuất khẩu với các nước Thái Lan, Campuchia và Lào.

Về giá, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 376,3 USD tấn trong tháng 2/2023, giảm 4,2% so với tháng 1/2023 và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng giá xuất khẩu bình quân sắn ở mức 271,2 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng 1/2023 nhưng lại giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu dẫn thông tin từ Hiệp hội Sắn Việt Nam, đầu tháng 3/2023, giá sắn tươi thu mua tại Tây Ninh dao động ở mức 3.300-3.700 đồng/kg, ổn định so với cuối tháng 2/2023. Tại Đăk Lăk giá dao động ở mức 2.900-2.950 đồng/kg, tăng 50 đồng/ kg so với cuối tháng 2/2023. Tại Gia Lai giá dao động ở mức 2.950-3.100 đồng/ kg, ổn định so với cuối tháng 2/2023.

Tại miền Trung giá sắn tươi dao động ở mức 2.650-2.750 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với cuối tháng 2/2023. Tại miền Bắc giá sắn tươi dao động ở mức 2.250-2.600 đồng/kg, tăng 100-200 đồng/kg so với cuối tháng 2/2023.

Các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 480-505 USD/tấn FOB cảng TP HCM, tăng 5-10 USD/tấn so với cuối tháng 2/2023. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn ở mức 3.350 – 3.650 CNY/tấn, ổn định so với cuối tháng 2/2023.

Hiện tại giá thành công xưởng của các nhà máy Việt Nam cao. Một số nhà máy nhỏ đã phải nghỉ vụ do hết nguyên liệu, các nhà máy khác thu mua sắn củ tươi hàng cuối vụ với giá khá cao. Theo đó, báo giá xuất khẩu tinh bột sắn Việt Nam của nhiều nhà máy cao hơn mức giá giao dịch tại thị trường Trung Quốc.

Giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc khoảng 305 USD/tấn FOB Quy Nhơn; trong khi, giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 355 USD/tấn FOB Quy Nhơn, ổn định so với cuối tháng 2/2023.

Giá sắn lát thu mua về các kho trữ hàng khá cao. Các đơn vị kinh doanh sắn lát báo giá bán cho các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong nước với mức giá khoảng 6.500 - 6.600 đồng/kg.

Tại Phú Yên, trong 5 năm trở lại đây, diện tích cây sắn liên tục bị bệnh khảm lá virus. Niên vụ sắn 2022/23, bệnh khảm lá đã gây hại hơn 14.000 ha sắn tại Phú Yên, trong đó có đến 8.200 ha bị nhiễm bệnh nặng. Bệnh khảm lá virus xảy ra hầu hết trên các giống sắn đang trồng hiện nay ở Phú Yên.

Hiện tỉnh Sơn La có 47.000 ha sắn, tập trung chủ yếu ở các huyện: Thuận Châu, Bắc Yên, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, Phù Yên..., sản lượng đạt trên 550.000 tấn. Tỉnh Sơn La xác định tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tích cực tìm kiếm thị trường, phấn đấu xuất khẩu hơn 94.000 tấn sản phẩm sắn các loại, đạt giá trị khoảng 36 triệu USD.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy chế biến sắn cùng công suất chế biến 300 tấn/ngày là các đơn vị chủ lực trong thu mua, chế biến sản phẩm sắn cho nông dân địa phương.

 

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-la-nha-xuat-khau-san-va-san-pham-tu-san-lon-thu-ba-the-gioi-post19001.html

 

2. Sản phẩm của Việt Nam gây ấn tượng tốt tại Hội chợ Thủy hải sản Bắc Mỹ 2023

Ngày 12/3, tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm Boston ở bang Massachusetts (Mỹ), đã khai mạc Hội chợ Thủy hải sản Bắc Mỹ với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy hải sản. Các gian hàng của Việt Nam gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, đây là sự kiện thường niên lớn nhất Bắc Mỹ về thương mại hải sản, quy tụ nhiều công ty chuyên về lĩnh vực này và các tổ chức, dịch vụ có hoạt động liên quan đến ngành thủy sản trên khắc nước Mỹ và thế giới.

 

 

Sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, hội chợ năm nay có sự tham gia của hàng trăm công ty xuất khẩu thủy hải sản lớn từ nhiều bang của Mỹ và nước ngoài như Canada, Brazil, Nhật Bản, Ấn Độ, Scotland, Ireland, Na Uy, Tây Ban Nha và Việt Nam nhằm cung cấp cho khách hàng mua hải sản tại Bắc Mỹ kênh tiếp cận trực tiếp với các nhà cung cấp, mở rộng mạng lưới đối tác, trải nghiệm các sản phẩm mới.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), hội chợ năm nay Việt Nam có 17 doanh nghiệp tham gia. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ “Chương trình Xúc tiến thương mại cấp quốc gia năm 2023” nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện tiếp cận và phát triển một trong những thị trường xuất khẩu “khó tính” nhất thế giới.

Các đại diện tiêu biểu cho ngành thủy hải sản Việt Nam về các mặt hàng chủ lực như cá tra, tôm và hải sản đều hiện diện tại hội chợ, bên cạnh sự góp mặt của các doanh nghiệp mới lần đầu tham gia. Các doanh nghiệp trưng bày và cung cấp hầu như mọi loại hải sản, sản phẩm và dịch vụ liên quan hiện được tiêu thụ tại thị trường Bắc Mỹ gồm: Cá và hải sản tươi sống, cá và hải sản đông lạnh, hải sản cao cấp, hải sản đã chế biến và đóng gói, thiết bị chế biến và đóng gói hải sản, dịch vụ vận chuyển và các dịch vụ liên quan hải sản. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã gây được ấn tượng tốt với bạn bè và đối tác quốc tế.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Mỹ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, bày tỏ vui mừng khi chứng kiện sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực thủy hải sản. Đại sứ cho hay điều này chứng tỏ mặt hàng xuất khẩu thủy hải sản của nước ta đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường khắt khe như Bắc Mỹ. Đại sứ cũng cho rằng dù thách thức là rất lớn, lại phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các công ty quốc tế, song triển vọng phát triển tại thị trường Mỹ nói riêng và Bắc Mỹ nói chung cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam là rất sáng sủa.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ năm nay có số lượng đông đảo, với hy vọng quảng bá sản phẩm, quảng bá thương hiệu và “trở lại” thị trường Bắc Mỹ sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Ông Roosbeh Ghorban, Giám đốc điều hành của GhorbanGlobal, một trong những doanh nghiệp nhập khẩu thủy hải sản lớn của Đức, cho biết ông rất ấn tượng với quy mô hội chợ năm nay và ông tới đây để tìm kiếm các nguồn cung sản phẩm mới từ thị trường Mỹ, thị trường xuất khẩu châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo Roosbeh, ông là một fan hâm mộ của các sản phẩm hải sản Việt Nam và công ty GhorbanGlobal đã có hơn 20 năm nhập khẩu các mặt hàng rất tốt này từ Việt Nam.

Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Năm 2022 xuất khẩu vào thị trường này đạt cột mốc 2,1 tỷ USD, chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Mặt hàng tôm và cá tra đóng góp nhiều nhất với hơn 39%, đạt 4,3 tỷ USD; trong đó cá tra chiếm gần 23%, đạt 2,44 tỷ USD. So với năm 2021, xuất khẩu tôm và cá tra tăng lần lượt 11% và 51%; cá ngừ, hải sản khác đạt lần lượt 1 tỷ USD và 3,2 tỷ USD.

 

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/san-pham-cua-viet-nam-gay-an-tuong-tot-tai-hoi-cho-thuy-hai-san-bac-my-2023-20230313063929042.htm

 

3. WB: Khu vực dịch vụ của Việt Nam đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế

Để hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần khai thác hiệu quả hơn nữa khu vực dịch vụ đa dạng để duy trì tăng trưởng năng suất bền vững. Điều này bao hàm phải thực hiện những cải cách nhằm nâng cao năng suất khu vực dịch vụ và đóng góp liên ngành để phục vụ tăng trưởng năng suất trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến và nông nghiệp...

Ngày 13/3, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố Báo cáo Điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn bản tháng 3/2023 với tiêu đề "Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng". Bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 cao (đạt 8%) một phần nhờ vào hiệu ứng tăng trưởng thấp năm trước đó, tiêu dùng phục hồi sau dịch Covid-19 và kết quả vững chắc của các hoạt động chế tạo chế biến định hướng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm.

Năm 2023, WB đánh giá cao những nền tảng vĩ mô ổn định của Việt Nam, tuy nhiên thách thức là rất lớn. Chẳng hạn, du lịch phục hồi khi du khách Trung Quốc vốn đóng góp khoảng 30% tổng lượt du khách đến Việt Nam dần quay lại. Song, tăng trưởng của khu vực này vẫn còn yếu, chưa quay về mức trước đại dịch. Nhu cầu trong nước dự kiến bị ảnh hưởng do lạm phát khoảng 4,5%, cao hơn so với năm ngoái.

Triển vọng của Việt Nam phản ánh những bất định gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu. Rủi ro theo hướng suy giảm bao gồm tăng trưởng yếu hơn dự kiến ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng Euro.

Cùng với đó là điều kiện huy động tài chính bị thắt chặt, lạm phát trong nước gia tăng, bảng cân đối tài sản của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình đang bộc lộ những yếu kém, và khu vực tài chính đang có nguy cơ dễ tổn thương.

Tuy vậy, WB đánh giá tăng trưởng GDP dự kiến sẽ lên 6,5% vào năm 2024 khi các nền kinh tế đang là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phục hồi.

"Nhìn chung rủi ro đang được cân bằng. Khó khăn ở trong nước và nước ngoài đòi hỏi phải ứng phó chính sách theo hướng thận trọng, và dựa vào bằng chứng, dữ liệu, theo nội dung báo cáo. Trong đó bao gồm quản lý chặt liên hệ giữa tăng trưởng và lạm phát, và giám sát chắc khu vực tài chính", báo cáo lưu ý.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng. "Thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế, và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả", bà Carolyn Turk khuyến nghị.

Theo đó, các chuyên gia WB tập trung phân tích ngành dịch vụ của Việt Nam để đánh giá tiềm năng đóng góp của ngành này vào năng suất và tăng trưởng của nền kinh tế trong trung và dài hạn.

Cụ thể, khu vực dịch vụ của Việt Nam đang có đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế, đồng thời thu hút ngày càng nhiều lao động, và năng suất lao động cũng đang tăng lên trong thập kỷ qua kể từ năm 2019. Tuy nhiên, kết quả đạt được của Việt Nam trong khu vực dịch vụ còn chưa bắt nhịp được với các quốc gia so sánh như Malaysia, Philipines, Indonesia,...

Để hoàn thành mục tiêu trở thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần khai thác hiệu quả hơn nữa khu vực dịch vụ đa dạng để duy trì tăng trưởng năng suất bền vững. Điều này bao hàm phải thực hiện những cải cách nhằm nâng cao năng suất khu vực dịch vụ và đóng góp liên ngành để phục vụ tăng trưởng năng suất trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến và nông nghiệp.

Theo đó, nhóm chuyên gia WB chỉ ra 4 nội dung cải cách có thể giúp mở ra tiềm năng để khu vực dịch vụ đem lại thêm nhiều việc làm và tạo thêm nhiều giá trị gia tăng.

Thứ nhất, thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm là một chìa khóa tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn. Đồng thời, chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam phải đồng bộ để đảm bảo hỗ trợ nền kinh tế và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô hiệu quả.

Thứ hai, khu vực dịch vụ của Việt Nam đang có đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế, đồng thời thu hút ngày càng nhiều lao động, và năng suất lao động cũng đang tăng lên trong thập kỷ qua kể từ năm 2019. Tuy nhiên, kết quả đạt được của Việt Nam trong khu vực dịch vụ còn chưa bắt nhịp được với các quốc gia so sánh như Malaysia, Philipines, Indonesia,...

Do đó, Việt Nam cần khai thác hiệu quả hơn nữa khu vực dịch vụ đa dạng để duy trì tăng trưởng năng suất bền vững. Điều này bao hàm phải thực hiện những cải cách nhằm nâng cao năng suất khu vực dịch vụ và đóng góp liên ngành để phục vụ tăng trưởng năng suất trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo chế biến và nông nghiệp.

Báo cáo cũng khuyến nghị xóa bỏ rào cản về thương mại và đầu tư nước ngoài, cải cách để đẩy mạnh cạnh tranh cũng như khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong nước.

Đồng thời, khuyến khích áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo từng bước về sản phẩm và quy trình; tăng cường năng lực và kỹ năng làm việc cho cả người lao động, cán bộ quản lý.

Những dự báo gần đây của các tổ chức quốc tế khác cũng hầu hết đều theo hướng cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ phát triển chậm lại, và điều này sẽ kéo nền tăng trưởng Việt Nam chậm theo, dẫu Việt Nam vẫn sẽ là một trong những nước "giữ phong độ" tốt nhất.

Cụ thể, trong báo cáo gần đây nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 2023 xuống còn 6,3%, giảm 4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó do các đối tác thương mại lớn suy yếu.

Trong khi đó, HSBC vẫn lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam và dự báo năm nay Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 được dự báo ở mức 5,8%, so với mức 2,1% của Singapore, 3,8% của Thái Lan, 4% của Malaysia, 4,3% của Indonesia và 4,4% của Phillipines.

 

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/wb-khu-vuc-dich-vu-cua-viet-nam-dong-gop-ngay-cang-lon-cho-nen-kinh-te-1091330.html

 

4. Phát triển dịch vụ tài chính bán lẻ dựa trên nền tảng công nghệ số

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các tổ chức tín dụng sẽ tập trung vào đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán cho khách hàng theo hướng đa kênh trên cơ sở ứng dụng nền tảng công nghệ số.Quá trình chuyển đổi số ngân hàng đã làm thay đổi hành vi sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng. Cụ thể, trong năm 2022, dịch vụ thương mại điện tử tăng 20% so với cùng kỳ. Số lượng người mua sắm trực tuyến trong nước chiếm tỷ lệ hơn 50% dân số. Giá trị mua sắm trực tuyến của mỗi người ước đạt 5,7-6,2 triệu đồng/năm.

 

 

Tại hội nghị về dịch vụ tài chính bán lẻ năm 2023 diễn ra hôm 16-3, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, các tổ chức tài chính đang tận dụng cơ hội để cộng tác với Fintech (công nghệ tài chính) và nhà cung cấp nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng, giúp giảm chi phí.

Thời gian tới, tổ chức tín dụng sẽ tập trung đầu tư cho việc phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán, đảm bảo cung cấp cho khách hàng nhiều tiện ích theo hướng đa kênh trên cơ sở ứng dụng nền tảng công nghệ số, tích hợp ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại trong thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương, bù trừ điện tử qua hệ thống thanh toán tập trung, hệ thống thẻ, hệ thống ngân hàng tự động.

Đồng thời, các đơn vị cũng sẽ cải tiến quy trình thanh toán theo hướng đơn giản thủ tục hồ sơ, chứng từ; giao dịch chuyển đổi theo hướng số hóa và tự động hóa.

Thông tin tại hội nghị, hiện nay, việc phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính – ngân hàng bán lẻ đang là định hướng chiến lược quan trọng của ngân hàng và tổ chức tài chính. Điều này giúp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nguồn vốn trung và dài hạn ổn định, gắn kết khách hàng.

Thời gian qua, nhiều chính sách được triển khai góp phần vào việc phát triển dịch vụ này như thực hiện chương trình về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tính đến cuối năm 2022, lượng người giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6%; giao dịch qua kênh internet tăng 89,36%; qua phương thức quét mã QR code tăng 182%; qua điện thoại di động tăng 116,1%; tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt xử lý qua hệ thống Napas đã giảm từ 12% năm 2021 xuống chỉ còn 6,56% năm 2022.

 

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/phat-trien-dich-vu-tai-chinh-ban-le-dua-tren-nen-tang-cong-nghe-so/


Nga Võ (tổng hợp, nguồn hình: Internet) - VietKings


 

Content1 (mobil)