1. Nhiều mẫu flagship Samsung thế hệ cũ xả hàng, giảm giá mạnh
Các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam đang xả hàng, giảm giá sâu các dòng Galaxy S20, Galaxy S21, Galaxy S22 và đưa ra mức giá tốt đối với mẫu Galaxy Z Flip4.
Sau khi Samsung ra mắt dòng Galaxy S23, các chuỗi bán lẻ đang đưa ra nhiều chương trình giảm giá để xả nốt lượng máy còn tồn lại của dòng Galaxy S20 và S21. Bên cạnh đó, Galaxy Z Flip4 cũng được đưa về mức giá tốt nhất kể từ khi mở bán.
"Số lượng máy xả hàng không có nhiều, có những mẫu chỉ còn vài chục con. Đây là số lượng máy còn tồn lại từ những đợt nhập hàng cũ", đại diện một chuỗi bán lẻ cho biết.
Cụ thể, SamCenter và Hoàng Hà Mobile đang niêm yết giá mẫu Samsung Galaxy S20 FE phiên bản 8 GB/256 GB ở mức 7,79 triệu đồng, giảm 6,7 triệu đồng so với giá khi mở bán. Đây là sản phẩm thuộc dòng S của Samsung được bán chính hãng với giá tốt vào thời điểm hiện tại.
"Với mức giá mới, S20 FE là một trong những mẫu smartphone đáng cân nhắc trong phân khúc dưới 10 triệu đồng", ông Phạm Tuấn Anh, đại diện SamCenter, chia sẻ.
Không riêng dòng S20, Galaxy S21 FE được hãng ra mắt vào đầu năm 2021 hiện cũng ghi nhận mức giá giảm mạnh, xuống chỉ còn 11,39 triệu đồng.
"Sau khi dòng Galaxy S23 ra mắt, dòng Galaxy S22 series đang được đưa xuống mức giá tốt. Giá hiện tại đã giảm vài trăm nghìn đồng so với tháng trước", bà Phùng Phương, đại diện Di Động Việt, cho hay.
Cụ thể, mức giá thấp nhất của phiên bản tiêu chuẩn đối với dòng Galaxy S22 trên thị trường đối với S22, S22 Plus và S22 Ultra lần lượt là 13,49 triệu, 15,99 triệu và 21,49 triệu đồng.
Đại diện các chuỗi bán lẻ cũng nhận định mẫu Galaxy Z Flip4 đang được giảm giá sâu, đây là mức giá thấp nhất của sản phẩm này kể từ khi ra mắt.
Hiện Galaxy Z Flip 4 phiên bản 8 GB/128 GB có giá 14,79 triệu đồng, giảm 9,2 triệu đồng so với giá niêm yết.
Theo thống kê từ DSCC, tổng lượng smartphone màn hình gập xuất xưởng trong cả năm 2022 đã tăng 62% so với năm 2021, lên 12,9 triệu chiếc. Galaxy Z Flip4 là mẫu máy xuất ra thị trường cao nhất trong quý IV/2022 khi chiếm tới 47% thị phần smartphone màn hình gập toàn cầu.
Bên cạnh đó, Samsung vẫn là hãng chiếm miếng bánh lớn nhất trong mảng smartphone màn hình gập, với 83% thị phần.
Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-doanh-va-tieu-dung/nhieu-mau-flagship-samsung-the-he-cu-xa-hang-giam-gia-manh/20230323060007395
2. iPhone chính hãng bảo hành tại Việt Nam sẽ không cần hóa đơn
Từ ngày 1/4, các trung tâm bảo hành do Apple ủy quyền tại Việt Nam sẽ được bảo hành các mẫu iPhone chính hãng mã VN/A mà không cần yêu cầu hóa đơn.
Thông tin từ các đơn vị bán lẻ các thiết bị di động, từ ngày 1/4, các trung tâm bảo hành do Apple ủy quyền tại Việt Nam sẽ được bảo hành các mẫu iPhone chính hãng mã VN/A mà không cần yêu cầu hóa đơn.
Trong khi đó, các sản phẩm còn lại vẫn duy trì như cũ, vẫn phải yêu cầu hóa đơn cho các trường hợp bảo hành.
Ngược lại, các sản phẩm xách tay vẫn bị yêu cầu hóa đơn gắt gao, nhiều đơn vị bảo hành từ chối thẳng không nhận vì tình trạng giả hóa đơn rất nhiều.
Trước đó, từ tháng 10/2021, các mẫu iPhone kể cả hàng xách tay lẫn hàng chính hãng VN/A khi bảo hành đểu phải cấp hóa đơn VAT mới được bảo hành. Thậm chí đôi khi bạn cần cung cấp cả giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD,…) để xác thực thông tin trước khi bảo hành.
Tại thời điểm đó, với chính sách gắt gao như trên, các đơn vị bán lẻ cho rằng sẽ sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng mua hàng không trực tiếp từ các đối tác của hãng hoặc mua hàng mà không nhận được hóa đơn VAT từ người bán là đại lý của hãng.
Nhất là hình thức mua đi bán lại này có thể sẽ không còn nằm trong lựa chọn của khách hàng nữa vì giá trị sản phẩm cao, bảo hành sau mua hàng rất quan trọng.
Với việc iPhone chính hãng bảo hành sẽ không cần hóa đơn được áp dụng từ tháng 4/2023, các doanh nghiệp bán lẻ đánh giá điều này sẽ giúp việc bảo hành sản phẩm của khách hàng tại thị trường Việt nam dễ dàng và thuận lợi hơn.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện chuỗi cửa hàng CellphoneS cho rằng, việc iPhone chính hãng bảo hành không cần hóa đơn hỗ trợ quyền lợi cho khách hàng mua đi - bán lại. Tuy nhiên, nó sẽ là “lỗ hổng” đối với trường hợp máy bị mất, cướp giật.
Với các dòng máy mới, hiện nay các doanh nghiệp bán lẻ đều cung cấp hóa đơn điện tử, nên các trung tâm bảo hành do Apple ủy quyền tại Việt Nam có yêu cầu hóa đơn thì vẫn đáp ứng được.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/iphone-chinh-hang-bao-hanh-tai-viet-nam-se-khong-can-hoa-don-post240340.html
3. Triển vọng Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ tài chính mới
Theo bài viết đăng trên trang asiaone.com (Singapore) ngày 21/3, lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) của Việt Nam đạt đến tầm cao mới và khung pháp lý mới đang tiếp tục thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Thị trường fintech của Việt Nam dự kiến sẽ đạt mốc 18 tỷ USD vào năm 2024.
Bài viết trên cũng cho rằng Chương trình Chuyển đổi kỹ thuật số quốc gia đến năm 2025 càng giúp thúc đẩy fintech. Tác giả dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy với gần 200 tổ chức fintech, hiện 66% người trưởng thành có tài khoản thanh toán. Bên cạnh đó, 91,3 triệu thuê bao điện thoại thông minh và tỷ lệ tiếp cận Internet là 73,2% là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển lĩnh vực fintech.
Các tổ chức fintech thành công là nhờ mối quan hệ chặt chẽ với lĩnh vực ngân hàng, tạo ra sức mạnh tổng hợp vô giá. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) luôn đi đầu trong việc mang đến những thay đổi có lợi cho ngành dịch vụ tài chính trong nước từ việc giảm phí tin nhắn SMS cho các dịch vụ ngân hàng hay hối thúc Visa và Mastercard giảm một số loại phí cho các ngân hàng Việt Nam trong đại dịch COVID-19. Động thái gần đây nhất của hiệp hội đã thu hút nhiều sự chú ý khi VNBA trở thành đối tác hỗ trợ chính thức cho sự kiện Đổi mới Tài chính thế giới (WFIS), dự kiến sẽ là sự kiện fintech hàng đầu tại Việt Nam.
Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng đang tích cực hỗ trợ Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Đối với những bên tham gia quan trọng, nhà đầu tư và thậm chí cả những bên mới tham gia, thời kỳ non trẻ hiện nay và quy mô tương đối nhỏ của thị trường fintech trong nước đang khiến thị trường fintech Việt Nam trở thành lĩnh vực đầu tư đặc biệt hấp dẫn vì có rất nhiều cơ hội để tham gia và mở rộng quy mô.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/trien-vong-viet-nam-tro-thanh-trung-tam-cong-nghe-tai-chinh-moi-20230322173602222.htm
4. Xuất khẩu dần hồi phục, nhóm hàng chủ lực lấy lại đà tăng trưởng
Nếu như trong 15 ngày cuối tháng 2, xuất khẩu giảm tới 7,2%, thì sang đến 15 ngày đầu tháng 3 đã tăng trở lại với 6,9%. Đáng chú ý, một số nhóm hàng chủ lực như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may có mức tăng trưởng khá tốt…
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong kỳ 1 tháng 3/2023 (từ ngày 01/3 đến ngày 15/3/2023) tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 27,2 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 4 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 02/2023.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 3/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/3/2023 đạt 122,95 tỷ USD, giảm 13%, tương ứng giảm 18,39 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 86,66 tỷ USD, giảm 12,1% (tương ứng giảm 11,9 tỷ USD).
Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 3/2023 đạt 13,34 tỷ USD, tăng 6,9% (tương ứng tăng 865 triệu USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 2/2023.
Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 3/2023 tăng so với kỳ 2 tháng 2/2023, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 342 triệu USD (tương ứng tăng 18,2%); hàng dệt may tăng 149 triệu USD (tương ứng tăng 13,7%); thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 107 triệu USD (tương ứng tăng 297%); phương tiện vận tải và phụ tùng khác tăng 100 triệu USD (tương ứng tăng 21,6%)...
Tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,94 tỷ USD, giảm 10,8% (tương ứng giảm 7,64 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, một số nhóm hàng giảm như: hàng dệt may giảm 1,27 tỷ USD (tương ứng giảm 18%); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 963 triệu USD (tương ứng giảm 30,6%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 906 triệu USD (tương ứng giảm 8,9%); điện thoại các loại và linh kiện giảm 577 triệu USD (tương ứng giảm 5%) so với cùng kỳ năm 2022.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 3/2023 đạt 9,75 tỷ USD, tăng 5,7% (tương ứng tăng 525 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 2/2023.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2023, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 47,08 tỷ USD, giảm 8,7%, tương ứng gi���m 4,49 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 74,8% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2023 đạt 13,83 tỷ USD, tăng 29,4% (tương ứng tăng 3,14 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2023.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 3/2023 tăng so với kỳ 2 tháng 2/2023 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 620 triệu USD (tương ứng tăng 23,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 383 triệu USD (tương ứng tăng 28,7%); nguyên vật liệu ngành dệt, may, da giày (bông, vải, xơ sợi, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày) tăng 277 triệu USD, (tương ứng tăng 34%)...
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/3/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 60 tỷ USD, giảm 15,2% (tương ứng giảm 10,75 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó một số nhóm hàng giảm mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 2,92 tỷ USD (tương ứng giảm 64,5%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,95 tỷ USD (tương ứng giảm 11%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 1,44 tỷ USD (tương ứng giảm 16,5%) so với cùng kỳ năm 2022.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 8,71 tỷ USD, tăng 24,1% (tương ứng tăng 1,69 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 2/2023.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 39,6 tỷ USD, giảm 15,8% (tương ứng giảm 7,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 66% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Với kết quả trên, trong kỳ 1 tháng 3/2023, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 490 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,94 tỷ USD.
Mặc dù, hoạt động xuất khẩu trong kỳ đầu tiên của tháng 3 đã cho thấy tín hiệu khởi sắc, song mục tiêu tăng trưởng 6% cho cả năm 2023 vẫn đang đứng trước không ít thách thức.
Đó là, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục chịu nhiều sức ép do căng thẳng địa chính trị và xung đột giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Lạm phát tăng cao, thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ và phòng, chống dịch Covid-19 ở một số nước cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa trong nước và xuất khẩu, theo hướng bất lợi khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn.
Bên cạnh đó, yêu cầu bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn xanh hóa các sản phẩm từ các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe. Những tiêu chuẩn mới từ các thị trường xuất khẩu sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng, buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải thay đổi để đáp ứng. Chẳng hạn, liên minh châu Âu sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại. Đây là yếu tố mới, tác động lớn vào tính cạnh tranh của sản phẩm.
Để giữ được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023, Bộ Công Thương đang tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu; chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xuat-khau-dan-hoi-phuc-nhom-hang-chu-luc-lay-lai-da-tang-truong.htm