Bứt phá vươn tầm thế giới

16-03-2023

Trên chặng đường 70 năm qua, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã ghi dấu thành tựu đáng tự hào. Bước sang trang mới, đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức song hành, con đường phát triển điện ảnh Việt gắn với sứ mệnh quan trọng trong nền công nghiệp văn hóa.

 

Đi bằng hai chân

Ngay sau khoảng thời gian bị chững lại bởi đại dịch Covid-19, điện ảnh đang trở lại đà phát triển. Thời cơ đến từ sự nung nấu suốt quá trình dài của đơn vị sản xuất, sự chờ đợi và nhu cầu thưởng thức, giải trí của khán giả, cùng chiến lược dài hơi từ phía nhà đầu tư... Cộng hưởng với đó là định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh, được xác định là một nhiệm vụ cấp bách trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030. Hơn nữa, Luật Điện ảnh (sửa đổi) - được đánh giá là một trong những luật về điện ảnh tiến bộ ở khu vực châu Á, với sự kế thừa phương pháp quản lý, kinh nghiệm của các nước tiên tiến - đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2023. Tất cả trở thành động lực thôi thúc điện ảnh Việt bứt phá.

 

“Nhà bà Nữ” và “Chị chị em em 2” là hai bộ phim Việt đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng gần đây

“Nhà bà Nữ” và “Chị chị em em 2” là hai bộ phim Việt đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng gần đây.

 

Hiện nay, điện ảnh Việt Nam có hàng trăm đơn vị sản xuất, mỗi năm cung cấp 45 - 50 phim ra rạp. Điện ảnh Việt cũng hiện diện và ghi dấu ấn tại các liên hoan phim quốc tế. Đáng kể trong năm qua, phim truyện “Tro tàn rực rỡ” tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo (Nhật Bản), là phim được trao giải cao tại Liên hoan phim Ba châu lục Nantes (Pháp); phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” lọt vào danh sách 15 phim rút gọn giải Oscar 2023 sau khi được trao hàng loạt giải quan trọng tại các liên hoan phim tài liệu quốc tế…

Danh sách những bộ phim Việt chiếu rạp ăn khách, vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng đang nhiều dần lên. Hai phim chiếu đầu năm 2023 là “Nhà bà Nữ” đạt doanh thu gần 500 tỷ đồng, “Chị chị em em 2” đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng, dù giới hạn độ tuổi xem phim (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi). Phim “Siêu lừa gặp siêu lầy” cũng đầy hứa hẹn khi thu về gần 60 tỷ đồng sau một tuần ra rạp…

Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển điện ảnh Việt Nam, TS. Ngô Phương Lan phân tích, một mặt phim thương mại ngày càng thu hút khán giả, còn dòng phim nghệ thuật tuy hạn chế hơn về khán giả nhưng thường nhắm đến các liên hoan phim và việc đoạt giải cao tại liên hoan phim quốc tế danh giá đem lại vinh dự không chỉ cho các nhà làm phim mà còn cho điện ảnh Việt Nam nói chung, làm nên những “ngọn cờ điện ảnh” để quốc tế chú ý đến điện ảnh Việt. Chúng ta đang cố gắng phát triển cả hai, mở rộng thị trường cho dòng phim thương mại và có các phim nghệ thuật được chọn vào các liên hoan phim quốc tế lớn. Chỉ khi đi vững cả “hai chân” thì điện ảnh Việt mới phát triển.

 

Cơ hội kèm thách thức

Ngoài phát triển trên những nền tảng truyền thống, tương lai của điện ảnh Việt Nam đang đứng trước bối cảnh “bùng nổ” các dịch vụ giải trí trực tuyến. Trong đó, các nền tảng dịch vụ OTT (cung cấp nội dung phim và truyền hình dựa vào đường truyền internet) đang dần xâm chiếm sâu rộng đời sống giải trí, thay đổi quan niệm xem phim của người Việt và đặt ra nhiều đề bài khó cho các nhà làm phim. Số lượng người xem những bộ phim trên nền tảng trả phí bắt đầu tăng.

Trước áp lực từ sự phát triển quá nhanh của các nền tảng giải trí trực tuyến, những nhà làm phim Việt nhận ra họ không chỉ cạnh tranh với tác phẩm cùng chiếu rạp mà còn phải đối đầu với tác phẩm được sản xuất trên nền tảng OTT. Để bật lên, họ phải đem nhiều cái mới hơn đến rạp chiếu, phải sáng tạo không ngừng từ cả nội dung đến hình thức. Đồng thời, hành trình của họ cần có sự chung tay, hỗ trợ đắc lực từ quy định trong việc phân loại, quản lý...

Theo đạo diễn, nhà sản xuất Võ Thanh Hòa (phim “Siêu lừa gặp siêu lầy”), so sánh với các mảng sáng tạo khác như âm nhạc, điện ảnh hiện đi sau rất nhiều. Việt Nam đã có những ca sĩ, bài hát hit, MV mang tầm châu Á, nhưng phim ảnh thì chưa. Khi ca sĩ, MV được đầu tư tốt thì rất nhanh xoay được vòng tiền để làm ra sản phẩm lớn hơn, điện ảnh chưa làm được như vậy. "So với nước ngoài, Thái Lan chẳng hạn, phim Việt giá vé thấp hơn, số lượng rạp chiếu ít hơn, mặc dù dân số cao hơn. Tuy nhiên, những gì chúng ta đang thấy rất lạc quan. Trong tương lai, điện ảnh Việt nếu được chăm chút kỹ lưỡng, được đầu tư nghiêm túc, sẽ phát triển mạnh”, đạo diễn Võ Thanh Hòa nói.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú lại nhìn nhận nhiều vấn đề đặt ra trong phát triển điện ảnh trở thành ngành có đóng góp lớn cho công nghiệp văn hóa. Đã xác định điện ảnh là ngành công nghiệp thì cần bám sát thực tế để có chính sách cụ thể và phù hợp. “Cần có đánh giá tác động của điện ảnh đối với kinh tế, từ đó quan tâm đặc biệt, dành cho nó sự hỗ trợ tương xứng về chính sách cũng như nguồn lực. Đội ngũ làm dòng phim độc lập cũng cần cơ chế khích lệ. Những bộ phim đã được vinh danh, đoạt giải thưởng lớn khi trở về nước cần được hỗ trợ ra rạp. Cần nữa là mở rộng không gian văn hóa của điện ảnh Việt Nam thông qua các dự án hợp tác quốc tế, hoặc có chiến lược thu hút các dự án điện ảnh quốc tế đến Việt Nam…”.


Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-in/but-pha-vuon-tam-the-gioi-i318918/


 

Content1 (mobil)