Khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) và trao tặng Kỷ lục Việt Nam cho Bộ 16 tranh ghép gốm thủy mặc cẩn trên tháp Chùa

09-03-2023

(KỶ LỤC – VIETKINGS) Lễ hội Quán Thế Âm ở Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn năm 2023 diễn ra từ ngày 8 đến 10/3 (nhằm ngày 17 đến 19/02 Âm lịch) tại chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) với hơn 30 hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, đa dạng. Trong đó, buổi lễ đón nhận bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam cho Bộ 16 bức tranh sứ màu cẩn trên tường 4 ngôi tháp chùa Quán Thế Âm diễn ra trong sự kiện khai mạc Lễ hội vào tối ngày 8/3.

LỄ HỘI QUÁN THẾ ÂM NGŨ HÀNH SƠN – TP.ĐÀ NẴNG

LỄ HỘI VĂN HÓA TÂM LINH GẮN ĐẠO PHÁP VỚI DÂN TỘC - DÂN TỘC VỚI ĐẠO PHÁP

“Quán Âm Mười chín tháng Hai

Ngũ Hành mở hội ai ai cũng về”

Câu ca đã trở nên quen thuộc và thể hiện sự chờ đợi của mỗi người dân thành phố Đà Nẵng nói riêng, du khách trong và ngoài nước nói chung mỗi độ Xuân về. Bởi Lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội văn hóa tâm linh truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn Đạo pháp với Dân tộc - Dân tộc với Đạo pháp.

Hằng năm, Lễ hội đón tiếp hàng vạn du khách gần xa đến chiêm ngưỡng, lễ bái, đồng thời tham quan Di sản Văn hóa Quốc gia đặc biệt, Di tích Lịch sử - Văn hóa, Danh lam Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và Di sản Văn hóa Phi vật thể Làng nghề truyền thống Đá mỹ nghệ Non Nước. Lễ hội diễn ra tại chùa Quán Thế Âm, tọa lạc dưới chân ngọn Kim Sơn, danh thắng Ngũ Hành Sơn, là nơi hội tụ linh thiêng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào Phật tử khắp nơi trong cả nước vào mùa lễ hội hằng năm.

 

 

 

Lễ hội Quán Thế Âm là một trong những lễ hội thường niên có quy mô bậc nhất ở TP.Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, cầu nguyện cho dân tộc quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ngày càng thịnh vượng. Với nhiều hoạt động văn hóa phong phú, lễ hội tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng có những đóng góp không nhỏ giúp phục hồi và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

 

Năm 2021, Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Đầu tháng 3 năm 2023, bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn chính thức trở thành Di sản Tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một trong chín Di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO vinh danh.

Lễ hội Quán Thế Âm năm 2023 diễn ra trong không khí lãnh đạo và nhân dân TP.Đà Nẵng hân hoan chào đón các sự kiện văn hóa Chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng Thành phố Đà nẵng (29/3). Đặc biệt, đây là lễ hội được tổ chức sau 3 năm bị gián đoạn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năm nay, lễ hội được UBND Thành phố Đà Nẵng trực tiếp tổ chức và chỉ đạo quận Ngũ Hành Sơn cùng các Sở, Ban, Ngành liên quan, phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng và chùa Quán Thế Âm xây dựng Kế hoạch, Chương trình và tiến hành tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm, Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng năm 2023.

 

KHAI MẠC LỄ HỘI VÀ SỰ KIỆN CÔNG BỐ KỶ LỤC VIỆT NAM CHO BỘ 16 TRANH GHÉP GỐM THỦY MẶC VỀ DANH LAM THẮNG CẢNH 3 MIỀN ĐỘC ĐÁO

Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn chính thức khai mạc tối ngày 8/3/2023 (nhằm ngày 17/02 Âm lịch) tại chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng).

 

 

 

Bà Ngô Thị Kim Yến - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội phát biểu tại khai mạc.

 

Tham dự buổi khai mạc có các đồng chí lãnh đạo Thành phố, các cơ quan ngoại giao, các Bộ, Ban Ngành Trung ương và Sở, Ban, Ngành Thành phố Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn; Quý Chư - Tôn - Đức trong Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt NamBan Trị sự Giáo hội Phật giáo VN thành phố Đà Nẵng, Ban Trị sự Phật giáo quận Ngũ Hành Sơn; Đoàn Sư Tăng các nước, các nghệ sỹ, nghệ nhân từ Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan đến tham dự lễ hội và giao lưu văn hóa nghệ thuật, các cơ quan thông tấn báo chí  cùng đông đảo tăng ni Phật tử và nhân dân.

 

 

 

Hình ảnh lễ khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2023 tối ngày 8/3/2023 (nhằm ngày 17/02 âm lịch)

 

Trong chương trình lễ khai mạc, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã chính thức công bố và trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam cho Bộ 16 tranh ghép gốm (mosaic) Thủy mặc về Danh lam Thắng cảnh 3 miền độc đáo tại Chùa Quán Thế Âm – Tp.Đà Nẵng.

 

 

 

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc - Tổng Thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đại diện công bố Quyết định Xác lập Kỷ lục Việt Nam. (Ảnh Tường Vân/VietKings)

 

 

 

TS Ngô Quang Xuân - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc cùng trao bằng xác lập Kỷ lục Việt Nam đến Hòa thượng Thích Huệ Vinh – Phó Trưởng Ban Trị sự, kiêm Trưởng Ban Tăng sự GHPGVN TP.Đà Nẵng, Phó Trưởng ban Tổ chức Lễ hội, Trụ trì Chùa Quán Thế Âm – TP.Đà Nẵng (Ảnh Tường Vân/VietKings)

 

Chùa Quan Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc (tên thường gọi là Chùa Quán Thế Âm) thành lập vào năm 1957, dưới chân núi Kim Sơn, một trong năm ngọn Ngũ Hành Sơn nổi tiếng. Đây chính là Ngôi chùa có Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam, nơi diễn ra Lễ hội Quan Âm Ngũ Hành Sơn – Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia thường niên.

 

 

 

Chùa Quán Thế Âm (TP.Đà Nẵng) tọa lạc ở vị trí đắc địa phía trước là con sông Cổ Cò, phía sau là ngọn núi Ngũ Hành Sơn.

 

 

 

Chùa tọa lạc uy nghiêm ở số 48 Sư Vạn Hạnh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng

 

Chùa Quán Thế Âm hiện trang trí và lưu giữ Bộ 16 bức tranh gốm sứ màu cẩn trên tường 4 tòa tháp. Bộ tranh là sự kết hợp của dòng tranh thủy mặc và tranh ghép gốm (Mosaic). Mỗi bức tranh tái hiện các danh lam thắng cảnh đặc trưng đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam và những vần thơ giới thiệu về địa danh. Với tôn chỉ tạo nên giá trị khác biệt và độc đáo, các nghệ nhân ghép gốm truyền thống đã kết hợp với Chùa thể hiện nghệ thuật Mosaic kết hợp lối vẽ tranh thủy mặc cổ để tạo nên 16 tác phẩm tranh độc đáo với tổng diện tích 192m2.

 

 

 

Bộ tranh sứ màu được cẩn trên tường 4 ngôi tháp gồm tháp Phước Huệ, tháp Thái Hòa, tháp Thành Tựu và tháp Viên Mãn.

 

Mỗi tháp có 4 bức tranh, mỗi bức tranh có cạnh 3x4m, diện tích 12m2 nằm ở các mặt của tháp giúp du khách tập phương dễ chiêm ngưỡng. Trên các bức tranh chép thơ lẫn phong cảnh, được ghép từ hàng vạn mảnh sứ nhiều màu sắc.

 

 

 

Bộ 16 bức tranh sứ được cẩn tỉ mỉ trên tường 4 ngôi tháp là Phước Huệ, Thái Hòa, Thành Tựu và Viên Mãn.

 

 

 

Mỗi bức tranh là sự kết hợp của hàng ngàn mảnh gốm Bát Tràng nhiều màu sắc theo nghệ thuận mosaic truyền thống. 

 

 

 

Sự lung linh của màu sắc nhờ các viên gốm đậm nhạt được bấm và sắp đặt theo chủ quan của người sáng tạo giúp các bức tranh phong phú, mang tính nghệ thuật và đạt giá trị thẩm mỹ cao. Bộ tranh được các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) lắp ghép từ các mảnh sứ nhỏ trong 2 năm.

 

 

 

Nội dung các bức tranh tái hiện cảnh sắc danh lam thắng cảnh dọc 3 miền đất nước. Trên nền mỗi bức tranh đều được đề thơ.

 


Content1 (mobil)