Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn bao gồm những thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là thành viên của hệ thống chính trị, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. (Ảnh: Internet)
ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH - CHẶNG ĐƯỜNG 91 NĂM CỐNG HIẾN VÀ TRƯỞNG THÀNH
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với sứ mệnh thiêng liêng cao cả là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam, là lực lượng xung kích cách mạng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đại diện chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tuổi trẻ; phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; là lực lượng nòng cốt chính trị trong phong trào thanh niên và trong các tổ chức thanh niên Việt Nam.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đoàn kết, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng với các tổ chức thanh niên tiến bộ, thanh niên và nhân dân các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì tương lai và hạnh phúc của tuổi trẻ. (Ảnh: Internet)
Mùa xuân năm 1931, từ ngày 20 đến ngày 26/3, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ II, Trung ương Đảng đã dành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và đi đến những quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn.
Được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 họp từ ngày 22 - 25/3/1961 đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một ngày trong thời gian cuối của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, dành để bàn bạc và quyết định những vấn đề rất quan trọng đối với công tác thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn hàng năm. Ngày 26/3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.
Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã trải qua nhiều lần đổi tên:
Giai đoạn 26/3/1931 - 1936: Đoàn TNCS Đông Dương
Giai đoạn 1937 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương
Giai đoạn 11/1939 - 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương
Giai đoạn 5/1941 - 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam
Giai đoạn 25/10/1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam
Giai đoạn 1970 - 1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh
Giai đoạn năm 1976 đến nay: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
Tên gọi của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh qua các thời kỳ. (Ảnh: Internet)
Trải qua 91 năm với 11 kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, hệ thống tổ chức của Đoàn gồm 4 cấp: cấp Trung ương; cấp tỉnh; cấp huyện; cấp cơ sở (gồm Đoàn cơ sở và chi đoàn cơ sở) không ngừng được củng cố, lớn mạnh. Hiện nay, 63 tỉnh, thành trên cả nước đều có hệ thống tổ chức Đoàn; 1.496 đoàn cấp huyện; 20.733 đoàn cơ sở, 19.489 chi đoàn cơ sở và 248.059 chi đoàn, với 7.03 triệu đoàn viên. Mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên không ngừng mở rộng, phát triển mạnh mẽ của Hội Liên hiệp thanh niên và các tổ chức thành viên tập thể với 9.9 triệu hội viên, 1.2 triệu hội viên Hội Sinh viên Việt Nam.
ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH - CÁC HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU
Kể từ khi ra đời đến nay, thế hệ trẻ Việt Nam chính là lực lượng xung kích trong sự nghiệp cách mạng; là nòng cốt, đội dự bị xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Các thế hệ trẻ Việt Nam cứ tiếp nối nhau, tre già măng mọc và cùng nhau góp sức vào chiến thắng trong những cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cùng nhau xây dựng đất nước vững vàng, giàu mạnh. Khi đất nước được giải phóng, non sông liền một dải, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai m��t số phong trào như "Ba mũi tên tiến công chống tiêu cực và toàn Đoàn tham gia xây dựng Đảng" hay "Ba xung kích làm chủ tập thể".
Trải qua các kỳ Đại hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn thể hiện được vai trò xung kích, tiên phong hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó. (Ảnh: thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn)
- Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ Ivới chủ đề “Chiến đấu và xây dựng tương lai": Hàng vạn nam, nữ thanh niên hăng hái xung phong tham gia phục vụ các chiến dịch, phong trào "Tòng quân giết giặc lập công". Tiêu biểu như anh hùng Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, ... Họ thật xứng đáng đại diện cho một lớp trẻ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Anh hùng Cù Chính Lan đánh xe tăng địch. (Ảnh: thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn)
- Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II: Tuổi trẻ miền Bắc đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất để khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng xã hội mới. Ở miền Nam, phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, học sinh, sinh viên tuy bị đế quốc Mỹ và tay sai đàn áp dã man song không hề nao núng.
Thanh niên xung phong miền Nam lấy vai làm cầu. (Ảnh: thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn)
- Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III: Phát động phong trào "Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất". Tuổi trẻ Thủ đô đã phát động phong trào "Ba sẵn sàng" nêu cao quyết tâm chi viện cho chiến trường miền Nam với tinh thần "Chưa thắng giặc Mỹ, chưa về quê hương".
Thanh niên xung phong Hà Nội với tinh thần thực hiện "Ba sẵn sàng". (Ảnh: thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (áo đen, giữa) tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Đoàn. (Ảnh: Tư liệu)
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV (năm 1980):Quyết định đẩy mạnh hơn nữa phong trào "Ba xung kích" thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ V (năm 1986) đã phát động phong trào "Tuổi trẻ xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Đây là phong trào mang ý nghĩa lớn lao, là phong trào của thế hệ trẻ đi đầu trong công cuộc đổi mới, hành động vì tương lai của thế hệ trẻ, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI (năm 1992): Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa VI đã quyết định triển khai 2 phong trào lớn là "Thanh niên lập nghiệp" và "Tuổi trẻ giữ nước". Các phong trào được đoàn viên, thanh niên cả nước hưởng ứng sôi nổi và nhiệt tình.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VII (năm 1997): Quyết định tiếp tục phát triển và nâng hai phong trào trên lên một tầm cao mới. Năm 2000, Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định chọn là "Năm thanh niên Việt Nam". Từ thời điểm này phong trào "Thanh niên tình nguyện" có bước phát triển mới, đi vào thực tiễn, được đông đảo các cấp bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên tham gia, tạo nên ấn tượng tốt đẹp về lớp thanh niên Việt Nam của thời kỳ mới.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VIII (năm 2002) với tinh thần "Đoàn kết, sáng tạo, xung kích, tình nguyện": Mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đại hội đã phát động phong trào lớn "Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" và kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam cùng siết chặt tay dưới lá cờ vinh quang của Đoàn, nguyện đi theo con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân Việt Nam đã lựa chọn, nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Đặc biệt, phong trào "Thanh niên tình nguyện" và các cuộc vận động, phong trào mới được triển khai sâu rộng trong các tổ chức Đoàn như: Sáng tạo trẻ, Bốn mới, Cán bộ, công chức trẻ với cải cách hành chính, Học tập tốt, rèn luyện tốt, Trí thức trẻ tình nguyện… đã khơi dậy sức mạnh của thanh niên tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo từ thực tiễn, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp của người thanh niên Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX (năm 2007): Tập trung triển khai hai phong trào lớn là "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" và "4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp".
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X (2012): 02 phong trào trên tiếp tục được triển khai với tên gọi "Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" và "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp" nhằm tạo không gian mở, sáng tạo cho cơ sở triển khai thực hiện. Trong giai đoạn này, nhiều phong trào trong các đối tượng thanh niên được triển khai mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên và tạo được hiệu ứng tốt trong cộng đồng xã hội.
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2017 - 2022): Phát động 03 phong trào lớn: "Thanh niên tình nguyện", "Tuổi trẻ sáng tạo" và "Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc".
Phong trào "Thanh niên tình nguyện" có các nội dung cơ bản: Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới; Tình nguyện tham gia xây dựng đô thị văn minh; Tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Tình nguyện tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Tình nguyện đảm bảo an sinh xã hội.
Phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo" có các nội dung chính: Sáng tạo trong học tập, nghiên cứu khoa học; Sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh; Sáng tạo trong công tác, phục vụ nhân dân; Sáng tạo trong đời sống sinh hoạt.
Phong trào "Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc" có các nội dung: Xung kích trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh; Xung kích tham gia thực hiện các chương trình, dự án, cuộc vận động hướng về biên giới, biển đảo, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; Xung kích tham gia xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; Xung kích tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn dân cư.
Ngoài ra, Đại hội còn phát động 03 chương trình đồng hành với thanh niên là: "Đồng hành với thanh niên trong học tập"; "Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp"; "Đồng hành với thanh niên rèn luyện và phát triển kỹ năng trong cuộc sống, nâng cao thể chất, đời sống văn hóa tinh thần".
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI với khẩu hiệu hành động "Tiên phong - bản lĩnh - đoàn kết - sáng tạo - phát triển". (Ảnh: Internet)
ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH - THÀNH TỰU VÀ GIẢI THƯỞNG
Với những cống hiến to lớn trong 91 năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu, hình thức khen thưởng của Đảng và Nhà nước: 02 lần nhận Huân chương Sao Vàng, 02 lần nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, 13 Huân chương Lao động, 10 Huân chương Kháng chiến và nhiều phần thưởng cao quý khác. Điều đó khẳng định sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với những cống hiến xứng đáng của thế hệ trẻ nước nhà và sự phát triển, lớn mạnh của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Lễ đón nhận huân chương Hồ Chí Minh năm 1980. (Ảnh: thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn)
Lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng năm 1985. (Ảnh: thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn)
Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của mình, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh dự đón nhận Huân chương Sao vàng lần II. (Ảnh: Ngọc Thắng - thanhnien.vn)
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Hồ Chí Minh (lần II) cho Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ghi nhận, biểu dương những đóng góp, cống hiến của Đoàn và tuổi trẻ cả nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (Ảnh: Internet)
Phát huy truyền thống vẻ vang, hào hùng đó, các cấp Đoàn và tuổi trẻ cả nước giữ vững niềm tin sắt son với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, biến những khó khăn, thách thức thành động lực, kiên trì, kiên định thực hiện vị trí, chức năng, vai trò của mình trong hệ thống chính trị; phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; khơi dậy khát vọng dựng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp thanh thiếu niên và nhi đồng. Thành quả đó là hành trang để Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời.
Nga Võ (tổng hợp & biên tập, nguồn hình: Internet) - VietKings