1. Triển vọng lớn của thị trường cà phê Việt Nam
Theo Vietnam Briefing, ngành cà phê Việt Nam nắm giữ những cơ hội đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở cả sản xuất và bán lẻ.
Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và đứng đầu về năng suất trồng cà phê với 2,4 tấn/ha trong bản Đánh giá thường niên 2021/2022 của Tổ chức Cà phê Quốc tế. Sản lượng này bao gồm các loại hạt Robusta, Arabica, Cherri, Moka và Culi - những loại hạt cà phê phổ biến nhất được trồng ở Việt Nam.
Năm 2022/23, sản lượng cà phê đạt 29,75 triệu bao, trong đó Robusta chiếm hơn 95%. Việt Nam chiếm tới hơn một nửa nguồn cung Robusta toàn cầu.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng lưu ý sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 16,97 triệu bao trong nửa đầu năm 2023, trong đó Đức, Mỹ và Italy là thị trường xuất khẩu nhiều nhất. Điều này dễ hiểu vì cà phê là cây công nghiệp chủ lực và được trồng trên 710.000 ha tại Việt Nam.
Hơn nữa, nhu cầu ngày càng tăng về cà phê đặc sản và sự mở rộng của nhiều chuỗi cà phê đang thúc đẩy nhập khẩu cà phê Arabica vào Việt Nam. Hầu hết loại cà phê này có nguồn gốc từ Indonesia, Brazil, Peru và Đức, trong khi các sản phẩm cà phê chế biến thường được nhập khẩu từ Brazil, Thái Lan, Indonesia, Australia và Bỉ.

Thị trường cà phê nhiều tiềm năng với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Vietnam briefing.
Một số thách thức ban đầu của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường cà phê Việt Nam
Đầu tiên là sở thích của khách hàng. Người Việt thích vị đậm đà và đắng của hạt cà phê Robusta. Đối với người tiêu dùng Việt Nam, tách cà phê ngon phải đậm đà hương vị tự nhiên, có độ đắng vừa phải, có mùi thơm dịu nhẹ của gỗ. Tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu cà phê nước ngoài đều sử dụng hạt Arabica có vị dịu hơn, ít đắng hơn và thoang thoảng mùi thơm của các loại hạt và trái cây.
Hơn nữa, cà phê ở Việt Nam không phải là thứ "thức uống nhanh" như ở các nền văn hóa phương Tây. Người Việt đi uống cà phê là để giải trí, họ thích ngồi nhâm nhi và suy nghĩ. Những khác biệt trong văn hóa cà phê này có thể khiến thương hiệu nước ngoài kém hấp dẫn hơn thương hiệu địa phương.
Một yếu tố nữa là người Việt nhạy cảm về giá. Việt Nam là một trong những khu vực nhạy cảm về giá nhất ở Đông Nam Á. Theo Báo cáo Thị trường Kinh doanh Thực phẩm và Đồ uống năm 2022 do iPOS công bố, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả 1,70 USD đến 2,97 USD cho cà phê - mức tầm trung đối với các thương hiệu đồ uống như Highlands Coffee, Phúc Long và The Coffee House. Chỉ một số ít người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho đồ uống trên 2,97 USD. Điều này có thể gây khó khăn cho việc thâm nhập thị trường của các chuỗi cà phê nước ngoài đắt tiền hơn.
Đã có nhiều thương hiêu cà phê quốc tế như Gloria Jean's, New York Dessert Coffee và The Coffee Bean & Tea Leaf sau khi vào Việt Nam đã phải ra đi. Dường như như người tiêu dùng Việt Nam khó có thể cam kết lâu dài với một thương hiệu cà phê có mức giá trung bình 4,25 USD cho một tách cà phê.
Một khó khăn lớn nữa là các thương hiệu nước ngoài vào thị trường cà phê Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ rất nhiều thương hiệu nội và ngoại, từ các chuỗi quán cà phê đến quán cà phê vỉa hè. Với khoảng 338.600 nhà hàng và quán cà phê tính đến cuối năm 2022, Việt Nam không thiếu những quán cà phê ngon và giá cả phải chăng. Trên thực tế, vào năm 2022, Cà phê Trung Nguyên là chuỗi cà phê dễ nhận biết nhất đối với người tiêu dùng Việt Nam, theo khảo sát của Statista.
Một điều cần lưu ý nữa là hi phí hoạt động kinh doanh cao. Theo Báo cáo Bất động sản Việt Nam 2022, giá thuê tại các trung tâm mua sắm thương mại năm ngoái là khoảng 100 USD/m2/tháng tại Hà Nội và 130 USD/m2/tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cộng với việc người tiêu dùng Việt Nam nhạy cảm về giá, điều này có thể khiến các thương hiệu nước ngoài buộc phải thu hẹp quy mô hoặc thậm chí rút lui khỏi thị trường Việt Nam.
Còn nhiều triển vọng đối với các công ty nước ngoài
Tuy nhiên, vượt lên những thách thức trên, các đối tác nước ngoài còn rất nhiều triển vọng tại Việt Nam, đặc biệt là khi sở thích của người tiêu dùng đang thay đổi. Theo Báo cáo Thị trường Kinh doanh Thực phẩm và Đồ uống năm 2022, người Việt từ 23 đến 30 tuổi có xu hướng mua đồ uống thường xuyên nhất và ngày càng thường xuyên hơn. Người tiêu dùng trẻ ở Việt Nam cũng cởi mở hơn với các sản phẩm nước ngoài, bao gồm cả hạt Arabica và không phản đối việc thấy văn hóa cà phê ở Việt Nam phát triển đa dạng hơn.
Yếu tố thứ hai là nhu cầu cà phê hòa tan tăng cao. Nhịp sống bận rộn, thời gian làm việc kéo dài hơn đang khiến thị trường cà phê hòa tan tại Việt Nam ngày càng sôi động và cạnh tranh. Nhiều ông lớn trên thị trường cà phê Việt Nam đã mở rộng sang cà phê hòa tan.
Năm 2021, Công ty Louis Dreyfus (LDC) và công ty cà phê nhãn hiệu riêng Instanta đã ký thỏa thuận liên doanh xây dựng nhà máy cà phê hòa tan tại Việt Nam. Một năm sau, Nestlé và Starbucks tung ra sản phẩm cà phê hòa tan mới với các hương vị đặc trưng của cà phê Starbucks: Dark Roast, Caffè Mocha, Caffè Latte và Caramel Latte. Theo Statista, nhu cầu cà phê hòa tan tại Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% vào năm 2024.
Một yếu tố đáng chú ý nữa là nhu cầu tiêu thụ cà phê dự kiến sẽ tăng. Theo USDA, tiêu thụ cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ tăng từ 5 đến 10% trong năm nay. Điều này có thể sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất mở rộng phạm vi sản phẩm và mở rộng cơ sở hiện có của họ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nhanh ở thị trường nội địa.
Như vậy, thị trường cà phê Việt Nam có thể là một lựa chọn hấp dẫn đối với nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần hiểu rõ thị trường trước và chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ thị hiếu địa phương.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/trien-vong-lon-cua-thi-truong-ca-phe-viet-nam-20230919084650816.htm
2. Nhận định thị trường tủ lạnh, máy giặt cuối năm 2023: Bất chấp tình hình kinh tế, nhu cầu cuối năm sẽ gia tăng mạnh
Theo nhiều nghiên cứu thị trường, cùng với sự cải thiện các yếu tố kinh tế, nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm điện gia dụng thiết yếu như tủ lạnh và máy giặt sẽ gia tăng mạnh dịp cuối năm.
Từ đầu năm 2023 đến nay, hàng loạt yếu tố tác động từ kinh tế vĩ mô đã khiến thị trường thiết bị điện gia dụng Việt Nam có xu hướng đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo nhận định của các công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu: Cùng với sự cải thiện các yếu tố kinh tế, nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm điện gia dụng thiết yếu như tủ lạnh và máy giặt sẽ gia tăng mạnh mẽ.

Nhận định này cho rằng, với nhiều các báo cáo cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế, nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng cho các thiết bị điện gia dụng cũng sẽ được cải thiện và phục hồi. Hơn thế nữa, cuối năm cũng là thời điểm người tiêu dùng thường mạnh tay chi tiêu hơn, kéo theo sự gia tăng mạnh nhu cầu đối với các thiết bị điện gia dụng – vốn là một phần quan trọng cho cuộc sống mỗi gia đình.
Trong khi đó, các nhà sản xuất điện gia dụng lại chịu nhiều sức ép lên giá thành sản phẩm của họ. Theo nhận định của công ty nghiên cứu thị trường, các sức ép do giá nguyên nhiên liệu tăng, tỷ giá ngoại tệ gia tăng sẽ kéo theo mặt bằng giá của các sản phẩm điện tử, điện lạnh và điện gia dụng gia tăng. Hiện tại một số thương hiệu lớn đã tăng giá hơn 10% cho các sản phẩm điện gia dụng, điện tử của công ty mình.
Một điểm thú vị khác trong báo cáo là số liệu về các sản phẩm điện tử, điện lạnh, điện gia dụng phân khúc cao cấp. Các số liệu cho thấy tỷ lệ người dùng sở hữu các thiết bị thuộc phân khúc cao cấp này đã gần chạm ngưỡng bão hòa khi những người có nhu cầu đối với những sản phẩm đó đã mua nhiều.
Mặc dù vậy, báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ người dùng chưa sở hữu máy giặt tại Việt Nam còn rất cao. Số liệu từ báo cáo của Euromonitor (2022) cũng cho thấy, vẫn còn dư lượng thị trường đối với máy giặt tại Việt Nam vẫn còn đến 40,9%, khi gần một nửa người dùng tiềm năng vẫn đang chưa sở hữu máy giặt.
Kết hợp với số liệu cho thấy phân khúc bão hòa đang gần ngưỡng cao cấp, có thể thấy phần lớn dư lượng thị trường này đang thuộc về phân khúc trung cấp. Hãng điện gia dụng Casper nhận định và lựa chọn đây sẽ là phân khúc mục tiêu của hãng trong thời gian tới. Đồng thời phân khúc này cũng phù hợp với chiến lược sản phẩm sắp ra mắt của công ty với kỳ vọng sẽ tạo nên "làn gió mới" cho thị trường.
Khác với thị trường máy giặt, các số liệu cho thấy thị trường tủ lạnh lại có diễn biến ngược lại. Tỷ lệ người tiêu dùng Việt Nam sở hữu tủ lạnh lại cao hơn nhiều so với máy giặt, kéo theo dư lượng thị trường chỉ còn 14,2% đối với nhóm người chưa sở hữu sản phẩm này.
Mặc dù vậy, ngay cả các gia đình đã sở hữu tủ lạnh cũng luôn có nhu cầu mua thêm hoặc thay thế sản phẩm cũ. Báo cáo cho rằng, với những gia đình đã sở hữu tủ lạnh loại 2 cửa phổ biến trước đây, họ đang có xu hướng chuyển sang các loại tủ lạnh SBS (Side by Side) hoặc tủ lạnh 4 cửa, có dung tích lớn vượt trội so với loại 2 cửa trước đây.
Điều này được xem có nguyên nhân đến từ việc nhu cầu lưu trữ và sắp xếp thực phẩm đang ngày càng gia tăng và dòng tủ lạnh 2 cửa thịnh hành trước đây không còn đáp ứng được nữa.
Do đó, cho dù số lượng người dùng Việt Nam sở hữu tủ lạnh đã rất cao, nhưng với đa số vẫn là các tủ lạnh dung tích nhỏ, thì phân khúc tủ lạnh SBS và tủ lạnh từ 4 cửa trở lên có giá phù hợp vẫn sẽ tăng mạnh trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Đây cũng là phân khúc được hãng Casper nhắm tới cho các sản phẩm tủ lạnh ra mắt trong lần này.
Sau những năm tham gia vào thị trường Việt Nam, tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng điện máy, đặc biệt tìm ra nét tâm lý đặc trưng của người tiêu dùng VN so với các quốc gia trong khu vực đó là: Người tiêu dùng Việt Nam coi sản phẩm máy giặt, tủ lạnh như là một tài sản, Casper đã ưu tiên nguồn lực để nghiên cứu và phát triển những sản phẩm thế hệ mới với chất lượng bền bỉ.
Trong một vài ngày tới, Casper sẽ ra mắt 2 dòng sản phẩm là EcoWash – máy giặt tiết kiệm điện, bền bỉ và EcoFresh – tủ lạnh lớn nhiều cánh, tiết kiệm điện tối ưu. Casper muốn mang tới cho tập khách hàng thông minh và khắt khe những sản phẩm chất lượng bền bỉ nhưng giá thành phù hợp túi tiền.
Dự kiến giá của Tủ lạnh Multi door 4 cánh CHỈ dưới 13 triệu đồng.
Giá của Tủ lạnh SBS CHỈ dưới 10 triệu đồng.
Giá của máy giặt cửa trên (Top Load) CHỈ dưới 4 triệu đồng.
Giá của máy giặt cửa ngang (Front Load) CHỈ dưới 6 triệu đồng.
Toàn bộ sản phẩm đều được bảo hành tại nhà với chính sách bảo hành cho toàn bộ máy 2 năm cho tủ lạnh và máy giặt, riêng bộ phận chính là động cơ và máy nén thời gian bảo hành 12 năm. Đây là chính sách có thời hạn bảo hành dài nhất trên thị trường hiện nay.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nhan-dinh-thi-truong-tu-lanh-may-giat-cuoi-nam-2023-bat-chap-tinh-hinh-kinh-te-nhu-cau-cuoi-nam-se-gia-tang-manh-20230919191801915.htm
3. Đưa vào hoạt động Trung tâm đỗ xe và dịch vụ ô tô quy mô 9 tầng
Trung tâm đỗ xe và dịch vụ ô tô quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ với quy mô 9 tầng, vốn đầu tư 158 tỷ đồng, có khả năng phục vụ 1.000 phương tiện chính thức được khánh thành, đưa vào hoạt động.

Hệ thống đỗ xe thông minh với mỗi module có sức chứa 12 xe được bố trí bên ngoài Trung tâm. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN
Sáng 20/9, Trung tâm đỗ xe và dịch vụ ô tô quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ với quy mô 9 tầng, vốn đầu tư 158 tỷ đồng, có khả năng phục vụ 1.000 phương tiện chính thức được khánh thành, đưa vào hoạt động.
Trung tâm đỗ xe và dịch vụ ô tô quận Ninh Kiều do Quỹ đầu tư phát triển thành phố Cần Thơ (CADIF) làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 6/2020 trên khu đất 4.236m2, với diện tích xây dựng 2.625m2 và tổng diện tích sàn là 21.247m2.
Đáng lưu ý, Trung tâm đỗ xe được xây dựng theo lối kiến trúc cổ điển với nội thất hiện đại, bao gồm hai khối liên kết A và B. Trong đó, khối A bố trí dịch vụ đậu xe bao gồm 9 tầng nổi, sân thượng, khối B gồm khối B1 tiếp giáp đường Ngô Văn Sở, B2 tiếp giáp đường Phan Đình Phùng thuộc phường Tân An, quận Ninh Kiều.
Trung tâm có sức chứa cho khoảng 1.000 phương tiện gồm ô tô dưới 17 chỗ và mô tô (khoảng 306 ô tô và 712 mô tô). Đơn vị vận hành có thể phân bổ tăng hoặc giảm số lượng các loại xe theo tình hình thực tế khi vận hành. Trung tâm cũng được phép sử dụng 20% diện tích để kinh doanh dịch vụ khác.
Xe ô tô sẽ được di chuyển lên đỗ tại các tầng cao bằng hệ thống 2 thang máy hiện đại kết hợp phần mềm nhận diện thông minh giúp hệ thống làm việc nhanh chóng, đảm bảo cho trung tâm vận hành với công suất cao. Bên cạnh đó, trung tâm còn có hệ thống đỗ xe thông minh dạng xoay trục đứng tại tầng 1 gồm 6 mô-đun, công suất tổng cộng 72 ô tô.
Ông Lê Văn Thống, Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển thành phố Cần Thơ cho biết, đến nay Trung tâm đã được các cơ quan quản lý chuyên ngành nghiệm thu, chủ đầu tư sẽ vận hành thử nghiệm các hạng mục dự án từ ngày 20/9 - 30/11/2023.
Để thuận tiện trong việc đỗ xe, chủ đầu tư đã lắp các biển đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho các phương tiện ra vào. Cụ thể: đối với mô tô, lối vào và ra tại cổng A, đường Phan Đình Phùng; ô tô lối vào tại cổng A, lối ra tại cổng B, đường Ngô Văn Sở.
Chủ đầu tư cũng kiến nghị UBND quận Ninh Kiều và các ngành liên quan hỗ trợ thông báo, di dời các hộ dân kinh doanh tự phát trên vỉa hè đường Ngô Văn Sở để đảm bảo trật tự, mỹ quan đô thị. Đồng thời đề xuất cho lắp các biển cấm đỗ và phân đường Ngô Văn Sở thành đường một chiều, hướng phương tiện di chuyển từ đường Phan Đình Phùng đến đường Hòa Bình.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết, việc đầu tư trung tâm đỗ xe nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại và đỗ xe ngày càng tăng của người dân, du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 59/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 10/NQ-TU của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới.
Để đưa công trình vào khai thác sử dụng và phát huy hiệu quả tích cực, ông Dương Tấn Hiển đề nghị chủ đầu tư tổ chức vận hành và khai thác kinh doanh Trung tâm đỗ xe và dịch vụ ô tô Ninh Kiều theo đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn người dân gửi xe theo đúng quy trình vận hành của trung tâm.
Bố trí giữ xe, phân luồng giao thông giữa các tầng nội bộ nhằm thuận tiện cho người dân trong quá trình gửi, nhận xe, giảm thiểu ùn tắc giao thông. Tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự và bảo vệ môi trường.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, chủ đầu tư trung tâm giữ xe đang xây dựng mức phí giữ các phương tiện. Theo đó, giá dự kiến đang được trình UBND thành phố Cần Thơ xem xét từ 20.000-25.000 đồng/giờ/ô tô và từ 1-1,5 triệu đồng/tháng/ô tô. Hiện tại, đại diện phía chủ đầu tư chưa công bố chi tiết mức phí giữ xe tại trung tâm này./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dua-vao-hoat-dong-trung-tam-do-xe-va-dich-vu-o-to-quy-mo-9-tang/307027.html
4. Thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi, lượng giao dịch bằng ATM giảm 13,5% trong nửa đầu năm 2023
Số lượng giao dịch bằng ATM đã giảm 13,5%, còn giá trị giảm tới 17,8%, trong nửa đầu năm 2023, thể hiện sự chuyển dịch rõ nét trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), cho biết như vậy tại họp báo công bố chuỗi sự kiện "Ngày thẻ Việt Nam 2023" do Báo Tiền Phong và CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) phối hợp Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) tổ chức.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT Napas
Theo đó, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hai quý đầu năm 2023 mặc dù nền kinh tế gặp khó khăn. Đại diện Napas cho rằng, sự đa dạng và những lợi ích của các phương thức thanh toán mới đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thanh toán điện tử trong những năm gần đây.
Cụ thể, tính đến cuối quý 2/2023, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của Napas tăng trưởng 65,1% về số lượng giao dịch và 12,1% về giá trị so với đến hết quý 2/2022. Trong đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM quý 2/2203 có xu hướng giảm 13,5% về số lượng và 17,8% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước.
“Qua số liệu cho thấy xu hướng thanh toán điện tử vẫn đang phát triển mạnh mẽ và có sự chuyển dịch thay thế cho tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày”, Chủ tịch Napas nhấn mạnh.
Theo số liệu của Vụ Thanh toán (NHNN), đến cuối tháng 7/2023, cả nước có hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế đang lưu hành. Trong đó, có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng phương thức điện tử eKYC đang lưu hành.
Việt Nam là thị trường tiềm năng với 70% dân số trẻ, trong độ tuổi lao động, thu nhập ổn định, nhu cầu tiêu dùng chưa khai thác còn lớn, do đó, tiềm năng cho mở rộng thị trường thẻ tín dụng nội địa (TDNĐ) là rất lớn.
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) nhấn mạnh, TTKDTM là xu thế tất yếu trong tiến trình tới xã hội không dùng tiền mặt và phát triển kinh tế số.
Các công nghệ mới, giải pháp hiện đại trong thanh toán đang được các ngân hàng áp dụng như công nghệ thẻ chíp tiếp xúc, không tiếp xúc, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (tokenization), xác thực sinh trắc học...
“Chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam lần 3 sẽ góp phần phổ cập, tuyên truyền về dịch vụ, phương thức thanh toán mới đến người dân. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong Chiến lược tài Chính toàn diện Quốc gia và Đề án phát triển TTKDTM hướng đến”, ông Dũng nói.
Chuỗi sự kiện Ngày thẻ Việt Nam 2023 dự kiến kéo dài khoảng 10 ngày với nhiều hoạt động nổi bật như: Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai” ngày 26/9; Triển lãm Ngày Thẻ Việt Nam – Sóng Festival được tổ chức tại Sân vận động Sư phạm - Hà Nội (từ ngày 6-8/10); Sự kiện MegaSales (từ ngày 20/9 - 20/10/2023).
Với chủ đề “Bứt phá giới hạn”, sự kiện năm nay được kỳ vọng sẽ tiếp tục lan tỏa “tinh thần” đổi mới, đột phá dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ thanh toán tiên tiến để thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trở nên gần gũi, quen thuộc tới nhiều nhóm khách hàng hơn nữa./.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-len-ngoi-luong-giao-dich-bang-atm-giam-135-trong-nua-dau-nam-2023-post170122.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_noibat_vt&utm_campaign=noibat