[WOWTIMES - VIETKINGS] Làng Xuân Lai (thế kỷ 17 - 2025): Nơi thổi hồn vào những thanh tre mộc mạc - Top 100 làng nghề thủ công truyền thống trăm tuổi tại Việt Nam 2025 (P.11)

22-04-2025

(WOWTIMES - VIETKINGS) Hình ảnh cây tre, cây trúc từ lâu đã là biểu tượng văn hóa truyền thống Việt Nam. Không những mang ý nghĩa văn hóa trừu tượng mà còn là một trong những nguyên liệu quan trọng trong làng nghề nội thất. Nói đến nghề tre trúc không thể không kể đến làng nghề tre trúc Xuân Lai nổi tiếng lâu đời.

 

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía Đông Bắc. Làng nghề tre trúc Xuân Lại có địa chỉ ở thôn Xuân lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Từ bao đời nay vẫn lưu giữ và phát triển nghề truyền thống dùng cây tre, cây trúc, cây nứa, cây mây để làm ra các sản phẩm hữu ích. Những sản phẩm thân thiện phục vụ đời sống người dân Việt.

 

Toàn cảnh làng nghề làm tre trúc Xuân Lai nhìn từ trên cao xuống

 

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Theo các sử liệu còn lưu giữ được nghề làm tre trúc Xuân Lai có từ lâu đời. Đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ thứ XVII-XVIII) nơi đây đã nổi tiếng là làng nghề thủ công chuyên làm các mặt hàng đan lát nông cụ, làm thang, giường tre, giát giường… Bao thế hệ người Xuân Lai sinh ra, lớn lên đã in sâu trong kí ức hình ảnh cây tre chất ngất quanh làng, tiếng đục đẽo kì cạch rộn rã. 

Từ năm 1990 trở lại đây, làng nghề Xuân Lai đang ngày càng khởi sắc hơn do đã tìm được hướng đi mới đúng đắn. Đó là tập trung vào chất lượng và mẫu mã sản phẩm, đổi mới quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm, đánh trúng tâm lý người tiêu dùng trong nước và không ngừng tìm kiếm các thị trường tiềm năng. Hiện nay, xã Xuân Lai có khoảng 250 hộ làm nghề tre trúc, trong đó 45 hộ chuyên sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp. 

 

QUY TRÌNH LÀM RA NHỮNG SẢN PHẨM TRE TRÚC XUÂN LAI

Điểm khác biệt của sản phẩm tre trúc Xuân Lai so với sản phẩm tre trúc các địa phương khác đó là sản phẩm tre trúc Xuân Lai có nhiều sắc độ khác nhau, từ đen bóng đến nâu cánh gián, nâu nhạt, vàng…. được tạo nên bằng kỹ thuật hoàn toàn tự nhiên chứ không sơn phết tạo màu. Cây tre trúc mua về từ một số tỉnh sẽ được ngâm dưới ao nước khoảng 4 - 6 tháng để tránh mối mọt, tăng độ dẻo dai. Công đoạn này là để loại bỏ nhựa, diệt trứng mối mọt và giúp tre đạt được độ dẻo dai cần thiết cho quá trình chế tác sau này. Nước ao là yếu tố rất quan trọng – nhiệt độ ổn định, ít ánh sáng và có bùn tự nhiên sẽ giúp làm mềm sợi tre, đồng thời giúp nguyên liệu “chín” từ từ một cách tự nhiên.

 

Những cây tre đạt chuẩn là những cây tre, trúc thân thẳng, không sâu mọt và mấu nhỏ

 

Sau khi thu hoạch, tre và trúc được ngâm dưới bùn ao trong 4 tháng nhằm tăng độ dẻo và chống mối mọt

 

Sau khi được vớt lên, người thợ sẽ tiến hành cạo sạch lớp vỏ ngoài của thân tre, gọi là “cạo tinh tre”. Đây là lớp vỏ mỏng chứa nhiều dầu, dễ bắt lửa và có thể làm ảnh hưởng đến màu sắc thành phẩm nếu không được loại bỏ kỹ. Tiếp theo, tre được hơ qua lửa đều tay để làm thẳng thân, loại bỏ độ cong vênh tự nhiên trong quá trình sinh trưởng hoặc vận chuyển. Khi thân tre đã đạt độ thẳng chuẩn, bước kế tiếp là đưa vào lò hun khói – một công đoạn mang tính “bí quyết nghề” của làng Xuân Lai. Trong lò kín, thân tre sẽ được hun bằng khói rơm trộn bùn trong khoảng 8 đến 12 ngày, tùy theo màu sắc mong muốn. Quá trình này không chỉ tạo ra sắc nâu trầm đặc trưng, mà còn giúp sấy khô thân tre, tăng độ nhẹ, độ bền và khả năng chống mối mọt. Đặc biệt, màu tre sau khi hun có thể giữ được hàng chục năm nếu được bảo quản đúng cách. Qua công đoạn này, những cây tre, trúc được sấy khô trở nên rất nhẹ, bền, chắc có thể chịu được mốc, mối mọt và giữ được màu trong nhiều năm.

 

Tre được vớt lên từ ao cạo sạch lớp vỏ ngoài của thân tre

 

Sau khi vớt lên, làm sạch lớp vỏ ngoài và đưa vào lò đất hun khói, tạo độ bền, tránh mối mọt. Trong lò đất, tre, trúc được sấy khô, hun khói từ 4 - 10 ngày đêm

 

 Tiếp đến tre, trúc được sấy khô để bền, nhẹ, chịu được mối mọt và giữ màu bền hơn

 

Sau khi trải qua công đoạn hơ lửa để làm thẳng, những thân tre sẽ được người thợ tỉ mỉ cắt thành nhiều khúc với độ dài khác nhau, tùy theo mục đích sử dụng. Việc chia nhỏ này không chỉ giúp dễ dàng trong quá trình lắp ráp và chế tác, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng vào nhiều loại sản phẩm đa dạng – từ vật dụng sinh hoạt, đồ trang trí đến các chi tiết trong kiến trúc và nội thất. 

 

Tre sau khi được hơ thẳng sẽ được cắt thành nhiều khúc để tiện cho việc lắp đặt đa dạng sản phẩm.

 

Tre sau khi đã xử lý và cắt nhỏ phù hợp với hình dáng của sản phẩm thì các nghệ nhân sẽ tiến hành ghép sản phẩm

 

Cuối cùng là phủ 1 lớp dầu để làm bóng và hoàn thiện sản phẩm

 

Hiện nay, làng nghề thủ công tre, trúc Xuân Lai đã phát triển phong phú với nhiều dòng sản phẩm đa dạng, đáp ứng cả nhu cầu sinh hoạt, trang trí và xuất khẩu. Các sản phẩm nổi bật bao gồm đồ gia dụng như rổ, rá, mẹt, nia, khay đựng đồ, ống đựng bút; đồ nội thất như bàn ghế, kệ sách, vách ngăn, rèm tre, trần và tường ốp tre,... Ngoài ra, làng còn các sản phẩm mỹ nghệ, trang trí như đèn tre, tranh tre, mô hình tiểu cảnh, lọ hoa thủ côngNhiều sản phẩm đã được cải tiến theo phong cách hiện đại để phục vụ thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là những đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

 

Người dân Xuân Lai đã dùng tre trúc để làm nhà, giường, bàn ghế, vật dụng sinh hoạt… thậm chí dựng cả những công trình nhà ở, quán xá bằng tre trúc theo yêu cầu khách hàng…

 

Những bức tranh tre hun khói, tranh tre thường phải mất từ 6-7 tháng kể từ khâu đầu tiên chọn tre, ngâm tre, hun khói, ghép mảnh, vẽ, cạo tạo hình, phủ bóng, đóng khung. 

 

Năm 2014Xuân Lai được UBND tỉnh Bắc Ninh công nhận là làng nghề truyền thốngNăm 2016sản phẩm tre trúc Xuân Lai được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Sản phẩm của làng nghề đã từng bước vươn xa, mang hình ảnh cây tre Việt đến với bạn bè thế giới, là xu hướng trang trí nội thất của nhiều công trình lớn, hiện đại, mang tính nghệ thuật và được người tiêu dùng ưa thích. Chất hoài cổ trong các sản phẩm làm từ mây tre của làng Xuân Lai – sẽ mãi mãi là những “sứ giả” mang nét văn hoá Việt Nam đi khắp nơi trên thế giới.

 
 

----------------------------------------------------------------------------

TRUNG ƯƠNG HỘI KỶ LỤC GIA VIỆT NAM - TỔ CHỨC KỶ LỤC VIỆT NAM (VIETKINGS)

Văn phòng: 01 Đặng Văn Ngữ, Phường 10, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại: (0283) 8 477 477

Đăng ký Kỷ lục: 0908 254 258 - 08 333 68 555

 


Mỹ Hằng - WowTimes (Tổng hợp và biên tập, ảnh: Internet)


Content1 (mobil)