1. Lưu ý khi mua laptop bán chạy nhất Việt Nam
Mức 8 GB RAM của bản MacBook Air M1 thấp nhất không đủ đáp ứng nhu cầu làm việc văn phòng cần đa nhiệm, xử lý đồ họa.
Gần đây, nhiều đại lý chính hãng tại Việt Nam giảm giá mẫu máy tính MacBook Air M1của Apple về 20-21 triệu đồng. Đây là mức khá cạnh tranh, bởi khi đặt cạnh nhiều mẫu máy Windows cùng phân khúc, MacBook Air M1 tỏ ra có ưu thế ở nhiều điểm. Sản phẩm đến từ thương hiệu Apple, có thiết kế đẹp, hoàn thiện tốt với vật liệu nhôm. Đồng thời, hệ điều hành Mac OS cùng con chip M1 cũng được nhiều khách hàng yêu thích. Đó là lý do MacBook Air M1 trở thành máy tính bán chạy nhất năm qua tại nhiều chuỗi đại lý lớn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, sản phẩm cũng có điểm yếu, người dùng cần cân nhắc trước khi quyết định lựa chọn. Cụ thể, model MacBook Air M1 có giá quanh mốc 20 triệu đồng tại Việt Nam là lựa chọn cơ bản, có các thông số cấu hình ở mức thấp nhất. Vi xử lý của laptop chỉ có 7 nhân đồ họa, RAM ở mức 8 GB và bộ nhớ trong 256 GB.
Những mẫu máy Windows phổ thông thường có khả năng nâng cấp, thay thế linh kiện thông qua các khe chờ trên máy. Trong khi đó, MacBook Air M1 có toàn bộ linh kiện đóng kín, hàn chết vào bo mạch. Do vậy, người dùng khó nâng cấp về sau. Khách hàng cần xác định đúng nhu cầu để đưa ra quyết định mua sản phẩm có cấu hình phù hợp, nhằm sử dụng lâu dài.
Nhiều người dùng MacBook Air M1 8 GB RAM có phản hồi không tốt về hiệu suất của máy sau thời gian dài sử dụng. Trong đó, chủ yếu vấn đề nằm ở dung lượng bộ nhớ lưu trữ tạm thời (RAM). Khi người dùng mở nhiều tab trình duyệt hoặc đa nhiệm đồng thời các ứng dụng trên màn hình, thiết bị có thể bị giật lag.
Các công việc văn phòng hiện tại không đơn thuần gồm ứng dụng soạn thảo hay trang tính. Tác vụ thường gồm nhiều phần nhỏ, được chia ra xử lý trên nhiều app khác nhau. Do đó, mức 8 GB hiện tại khó đáp ứng đủ.
Một nhóm khách hàng mua MacBook cho nhu cầu làm việc đồ họa. Tác vụ này cũng yêu cầu nhiều về bộ nhớ tạm. Bản 8 GB chỉ xử lý tốt ở các file hình ảnh 2D, ít layer (lớp). Với các công việc dựng hình 3D hoặc dự án lớn, mức nói trên không đủ đáp ứng. Các bài thử nghiệm render video cho thấy có khác biệt về hiệu suất giữa bản MacBook M1 8 GB và 16 GB.
Ngoài ra, vi xử lý mới của Apple hỗ trợ việc dùng bộ nhớ trong tốc độ cao để bù đắp cho lượng RAM thiếu khi hoạt động nặng. Điều này giúp máy chạy ổn định hơn. Tuy nhiên, độ bền của SSD có thể bị ảnh hưởng vì phải đọc ghi lượng lớn dữ liệu liên tục. Do đó, người dùng nên ưu tiên cho RAM hơn bộ nhớ trong khi chọn MacBook mới nếu có nhu cầu làm việc nhiều. Đồng thời, phần bộ nhớ thể rắn (SSD) có thể được bù đắp bằng nhiều cách. Trên thị trường có những lựa chọn ổ cứng gắn ngoài, tốc độ đọc ghi cao và kích thước nhỏ gọn.
Hiện tại, mức chênh giữa bản bộ nhớ 256 GB và 512 GB của MacBook Air M1 khoảng 6-8 triệu đồng tại Việt Nam. Trong khi đó, một mẫu ổ cứng gắn ngoài, như SXS 2000 của thương hiệu Kingston có giá dưới 4 triệu đồng, cho bộ nhớ 1 TB. Giải pháp này tối ưu về chi phí hơn, trên cùng một khoảng lưu trữ. Mức đọc/ghi của ổ cứng ngoài không nhanh như bộ nhớ trong MacBook. Tuy nhiên, qua cổng USB-C của máy, sản phẩm đạt tốc độ khoảng 2 Gb/s. Mức này đủ sức đáp ứng các nhu cầu lưu trữ, xử lý video trực tiếp. Đồng thời, ổ cứng ngoài có thể chia sẻ áp lực cho SSD trong máy, giúp tăng độ bền.
Nguồn Zing: https://zingnews.vn/luu-y-khi-mua-laptop-ban-chay-nhat-viet-nam-post1393485.html
2. Choáng với tượng mèo phong thủy dát vàng có giá hàng trăm triệu/con
Tết 2023 là Tết mèo nên tượng mèo phong thủy được bán rất đa dạng, nhiều mẫu mã, kích cỡ và giá tiền. Có những mẫu tượng linh vật mèo chỉ vài trăm nghìn nhưng có những mẫu dát vàng, có giá tới cả trăm triệu đồng.
Mới đây, nhiều khách tham quan tại TP HCM bất ngờ với gian hàng của một thương hiệu gốm sứ trưng bày tượng linh vật mèo (mèo phong thủy) dát vàng với giá hàng trăm triệu mỗi con. Cụ thể, tại một sự kiện công nghệ vừa diễn ra ở TP HCM, nhiều khách tham quan bất ngờ với gian hàng của một thương hiệu gốm sứ trưng bày tượng linh vật mèo hay mèo phong thủy tạo nên không khí Tết 'mèo' – Tết Quý Mão năm nay.
Tượng linh vật mèo (mèo phong thủy) dát vàng với giá 165 triệu đồng
Nổi bật là tượng mèo ngũ phúc - ngũ hành 31,1cm, là sản phẩm mới của năm nay được chế tác giới hạn chỉ 36 con, mỗi con có giá bán 165 triệu đồng. Đây là tượng con vật có giá bán cao nhất của thương hiệu này, đắt gấp đôi bức tượng có giá bán cao thứ 2, là một tượng kỳ lân trang trí vàng.
Nhân viên của gian hàng cho biết tác phẩm được làm thủ công bởi các nghệ nhân lành nghề trong 720 giờ, trải qua 12 công đoạn với hơn 30 nguyên liệu trong đó có vàng thật 24K. Tuy nhiên, hàm lượng vàng không được công bố vì mục đích dùng vàng là để trang trí.
Được biết, để có 36 thành phẩm mèo ngũ phúc - ngũ hành, thương hiệu này phải sản xuất ra gần 400 sản phẩm vì độ khó của sản phẩm, tỉ lệ hao hụt hơn 90%.
Nhiều mẫu linh vật mèo khác với giá bán từ vài trăm nghìn đồng
Ngoài sản phẩm đặc biệt trên, thương hiệu này còn có tượng mèo ngũ phúc 31,1 cm - men ngọc sương mờ có giá gần 54 triệu đồng được xếp vào nhóm "bán chạy" trong mùa Tết.
Còn lại, các tượng mèo phong thủy của thương hiệu này có giá đa dạng từ hơn 700.000 – 27,5 triệu đồng/con.
Tết 2023 là Tết "mèo" nên tượng mèo phong thủy được bán rất đa dạng, nhiều mẫu mã, kích cỡ và giá tiền. Người ít tiền có thể mua với giá vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/con; còn lại phổ biến ở mức vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng/sản phẩm được nhiều người chọn mua để trang trí mùa Tết.
Trước đó ít ngày, một nhà sản xuất khác tại Hà Nội cũng đưa ra thị trường tượng mèo vàng phong thủy có hai kích thước với giá bán từ 4 triệu - 8,5 triệu.
Trên thị trường cũng có nhiều nhà sản xuất bán tượng mèo phong thủy dát vàng
Đại diện nhà cung cấp này cho biết, bộ sưu tập Tượng mèo vàng được chế tác hoàn toàn thủ công tại Hà Nội, tinh xảo, sang trọng và bố cục thiết kế hài hòa, được đúc từ đồng nguyên chất, trải qua gần 40 công đoạn xử lý bởi đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, công đoạn cuối cùng được nhúng vào bể vàng, được mạ vàng thật bằng phương pháp điện phân.
Mặc dù kinh tế năm nay khó khăn, nhưng các nhà sản xuất linh vật phong thủy cho biết, hiện cũng đã nhận được đơn đặt hàng của một số đối tác lớn, chủ yếu vẫn là các ngân hàng, các tập đoàn lớn mua làm quà tặng khách hàng, đối tác.
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/choang-voi-tuong-meo-phong-thuy-dat-vang-co-gia-hang-tram-trieucon-1796813.html
3. Năm 2022, vận tải tăng trưởng vượt bậc
Một trong những 'điểm sáng' trong bức tranh ngành GTVT 2022 là hoạt động vận tải đã phục hồi trên cả 5 lĩnh vực, sản lượng các loại hình vận tải đều tăng trưởng ấn tượng.
Vận tải tăng trưởng vượt bậc
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 vào chiều nay (13/1), Bộ GTVT đã công bố thống kê ấn tượng về vận tải.
Theo đó, đến hết 31/12/2022, sản lượng vận tải hàng hóa 12 tháng ước đạt 2.009 triệu tấn, tăng 23,7% so với cùng kỳ; luân chuyển hàng hóa 12 tháng ước đạt 441,3 tỷ tấn.km, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vận chuyển hàng hóa 12 tháng các ngành đều tăng: hàng không (+3%), đường bộ (+22,7%), đường thủy (+26,9%), đường biển (+27,9%), đường sắt (+9%).
Vận chuyển hành khách 12 tháng ước đạt 3.664 triệu lượt khách, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm 2021; luân chuyển hành khách 12 tháng ước đạt 171,8 tỷ HK.km, tăng 78,3% so với cùng kỳ. Trong đó, vận chuyển hành khách 12 tháng các ngành: hàng không (+224,6%), đường biển (+56,7%), đường sắt (+205,6%), đường bộ (+51,6%), đường thủy (+52,9%).
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đánh giá, hiệu quả hoạt động vận tải là mục tiêu, thước đo của phát triển hệ thống hạ tầng, thể chế chính sách về vận tải, có tác động trực tiếp đến đời sống Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc tăng giá mặt hàng xăng, dầu nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời, xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành, điều phối hoạt động vận tải, bảo đảm việc vận chuyển hàng hóa được thông suốt, phục vụ đầy đủ, an toàn nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là trong các dịp Lễ, Tết, Bộ GTVT tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy hoạt động vận tải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải.
Để nắm bắt kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT định kỳ tổ chức các buổi làm việc trực tuyến với các hiệp hội, doanh nghiệp và triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các giải pháp liên quan đến giảm cơ chế thuế, phí. Với nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ GTVT tăng cường kiểm tra, đôn đốc và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện kế hoạch về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định: "Kết quả hoạt động vận tải năm 2022 cho thấy sản lượng các loại hình vận tải đều phục hồi, phát triển vượt bậc, chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, cung cấp dịch vụ được đẩy mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, tiết kiệm chi phí xã hội.
Đáng chú ý là vận tải hành khách ngành hàng không và đường sắt tăng trưởng 3 con số. Vận tải đường sắt bắt đầu có lãi sau 2 năm liên tục thua lỗ do ảnh hưởng của đại dịch.
Tăng thị phần vận tải đường thủy và đường sắt
Trong năm 2023, Bộ GTVT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hoạt động vận tải; giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý vận tải.
Tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác quản lý, phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường, lấy giao thông công cộng làm nền tảng; xây dựng các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn tại các đô thị loại I; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức giao thông theo hướng khuyến khích nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phù hợp với điều kiện của từng địa phương; xây dựng lộ trình tăng tỷ lệ sử dụng, tiến tới sử dụng chủ yếu các phương tiện thân thiện môi trường.
Đồng thời, Bộ GTVT đẩy mạnh quản lý, khai thác hiệu quả các tuyến vận tải thủy, tuyến bờ ra đảo, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn phương tiện mang cấp VR-SB hoạt động trên biển, nhất là hoạt động vận tải hành khách tuyến từ bờ ra đảo.
Nghiên cứu mở các đường bay nội địa và quốc tế mới; tăng cường điều phối hợp lý các slot tại các cảng hàng không, sân bay, đặc biệt là cảng hàng không quốc tế Tân Sân Nhất, cảng hàng không quốc tế Nội Bài; triển khai các giải pháp giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến.
Tiếp tục duy trì kiểm soát tải trọng phương tiện. Tập trung kiểm soát phương tiện từ khâu xếp hàng, đón khách nhằm ngăn chặn các vi phạm từ gốc; giám sát, xử phạt nghiêm các vi phạm về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tình trạng xe dù, bến cóc, xe khách trá hình, chạy quá tốc độ…
Triển khai Kế hoạch chạy tàu an sinh xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện biểu đồ chạy tàu, giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải sắt.
Theo đánh giá của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam đứng vị trí số 1 trong 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Theo Tạp chí Lloyd's List của Anh, Việt Nam có 3 cảng nằm trong top 50 cảng container có lưu lượng hàng hóa qua cảng lớn nhất thế giới gồm: Cảng TP. Hồ Chí Minh (đứng thứ 22), Cảng Hải Phòng (đứng thứ 28), Cảng Cái Mép (đứng thứ 32).
Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/nam-2022-van-tai-tang-truong-vuot-bac-183230113132250608.htm
4. Tour Tết Nguyên đán không quá 'sốt'
Ngày 12-1, nhiều công ty du lịch cho hay tour Tết Nguyên đán năm nay không có dấu hiệu tăng đột biến.
Là khách quen của Công ty Du lịch TSTtourist gần 10 năm nay, chị Trần Thị Hiếu (quận 3, TP HCM) bày tỏ niềm vui khi là một trong những vị khách tham gia tour Đài Loan (Trung Quốc) do công ty này tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán 2023. Với mong muốn tham quan, tìm hiểu cách đón Tết ở nước ngoài, hơn hết là trải nghiệm văn hóa, ẩm thực để tăng thêm vốn kiến thức và trải nghiệm, chị quyết định chọn Đài Loan là nơi cùng chồng và 2 con đón năm mới vào năm nay.
Tại Công ty Du lịch Vietravel, đến thời điểm này đã có khoảng 45.000 lượt khách đăng ký đi tour dịp Tết Nguyên đán. Dù không tăng đột biến nhưng bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, cho biết thị trường tour Tết Nguyên đán đang nhộn nhịp trở lại sau 2 năm im ắng vì COVID-19.
"Vietravel ghi nhận tổng lượt khách đăng ký du lịch Tết cao hơn nhiều cùng kỳ năm ngoái. Tết năm nay, dù những ảnh hưởng do đại dịch vẫn còn nhưng du khách hào hứng với kế hoạch đi du lịch ra nước ngoài vì các điểm đến yêu thích gần như bình thường trở lại, chính sách visa cũng thuận tiện hơn. Các điểm đến truyền thống như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ luôn đông khách đăng ký, thậm chí khách hàng chọn mua trước các tour khởi hành từ tháng 3-2023" - bà Vân Khanh nói.
Đáng chú ý, các công ty cũng ghi nhận lượng lớn khách Việt kiều về nước và đặt tour Tết đi du lịch cùng gia đình. Công ty Vietravel ghi nhận lượng lớn khách Việt kiều chọn mua tour Tết du lịch trong nước và các tuyến tour Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia… bởi khoảng cách địa lý không quá xa, chi phí vừa tầm, văn hóa ẩm thực có nhiều điểm tương đồng.
Tại Công ty Dịch vụ Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Truyền thông, cho biết đến thời điểm hiện tại, công ty đạt khoảng 90% kế hoạch tour Tết Nguyên đán 2023. Hiện công ty đã hoàn tất các tour xa ở các thị trường châu Âu, Đông Bắc Á. Riêng các tuyến Đông Nam Á còn có thể nhận khách đến khoảng giữa tháng 1-2023.
Thị trường tour nội địa các năm luôn sôi động đến cận Tết Nguyên đán do khách thường đặt tour sát ngày khởi hành. Lữ hành Fiditour - Vietluxtour cho biết đã chuẩn bị dịch vụ để phục vụ khách xuyên Tết, đáp ứng các nhu cầu đặt dịch vụ tự chọn, dịch vụ từng phần của các du khách có kế hoạch du Xuân "đột xuất". Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và Marketing TSTtourist, khẳng định xu hướng du lịch của năm nay khá rõ, tập trung nhiều vào các gói dịch vụ combo, tour theo nhóm gia đình, tour tổ chức theo nhu cầu riêng, loại hình du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm mang tính cá nhân hóa, trải nghiệm điểm đến mới.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/du-lich-xanh/tour-tet-nguyen-dan-khong-qua-sot-2023011222005529.htm